Tính đến 31/10/2021, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam(VAMC) đã mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua đạt 1.922 tỷ đồng, bằng 38,44% kế hoạch mua nợ theo giá trị thị trường năm 2021. Tuy nhiên, kết quả này được VAMC thực hiện chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021. Từ tháng 6/2021 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC không đạt được kế hoạch đề ra.
![]() |
VAMC đặt mục tiêu trong năm nay mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường 5.000 tỷ đồng, xử lý thu hồi nợ 30.000 tỷ đồng. |
Ông Đặng Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, nguyên nhân dẫn đến hoạt động mua bán nợ xấu “đóng băng” do chịu ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp của đại dịch Covid-19, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.
Việc triển khai tìm kiếm, phối hợp giữa VAMC với tổ chức tín dụng (TCTD) trong hoạt động mua bán, xử lý nợ hiện cũng chỉ dừng lại ở hoạt động tiếp cận thông tin, chuẩn bị các bước tiếp theo sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
VAMC đã đưa Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức từ 15/10/2021.Nhiệm vụ của Sàn giao dịch nợ là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ.
"Thực tế, có những khoản nợ, VAMC đã tiếp xúc, đàm phán với TCTD từ trước tháng 6/2021 và dự kiến sẽ mua nợ theo giá trị thị trường trong quý III, IV năm 2021, nhưng đến nay VAMC vẫn chưa thể mua nợ thành công do các TCTD chưa thực hiện được các thủ tục đấu giá khoản nợ”, ông Đông cho hay.
Bên cạnh đó, thu hồi tiền từ việc đấu giá tài sản, bán khoản nợ cũng bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, thậm chí có một số đối tác đã đặt vấn đề, tìm hiểu mua khoản nợ, tài sản của VAMC cũng đã tạm dừng triển khai kế hoạch mua khoản nợ, tài sản.
Không chỉ VAMC, tại các ngân hàng, việc xử lý nợ xấu cũng gặp nhiều khó khăn. Một số ngân hàng thương mại mới đây đã mạnh tay giảm giá các khoản nợ xấu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư.
Ví dụ, sau một năm rao bán 19 căn hộ thuộc dự án Xi Grand Court địa chỉ 256 - 258 đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM không thành công, Sacombank đã giảm giá khởi điểm của các căn hộ này xuống còn 94 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi căn giảm từ 150 - 670 triệu đồng.
Tương tự, BIDV mới đây thông báo lần thứ 9 đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thành Vinh với mức giá khởi điểm giảm 2 tỷ đồng so với 4 tháng trước, xuống còn 14,5 tỷ đồng. Hay như khoản nợ của CTCP thương mại và đầu tư xây dựng Giao thông vận tải vừa được BIDV rao bán lần 3 với giá còn 13,952 tỷ đồng, giảm hơn 3,2 tỷ đồng so với một tháng trước…
Trong khi việc xử lý nợ xấu không mấy thuận lợi do vướng những rào cản từ dịch bệnh thì áp lực nợ xấu mới tiếp tục gia tăng. Dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng lên xấp xỉ 8%, và những hệ lụy của nó có thể kéo dài sang năm 2022.
Tại tọa đàm Trao đổi chính sách về xử lý nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với IFC vừa tổ chức, các chuyên gia nhận định, thời gian tới, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng sẽ thuận lợi hơn nhờ nền kinh tế bắt đầu phục hồi, thị trường mua bán nợ đã đi vào hoạt động... Tuy nhiên, để thị trường thật sự thông suốt cần có cải cách táo bạo với giao dịch mua bán nợ xấu, nhất là sự tường minh trong các chính sách.
Ông Darryl Dong, Chuyên gia tài chính trưởng IFC cho rằng, để thu hút nhà đầu tư mua bán nợ xấu nên bỏ yêu cầu cần có sự đồng ý của bên vay (chủ sở hữu tài sản) khi xử lý tài sản đảm bảo; có chính sách ưu đãi khuyến khích giao dịch mua bán nợ xấu… Đơn cử, tại Trung Quốc cũng đã sửa quy định nhà đầu tư mua khoản nợ xấu không phải xin phép, mà chỉ cần thông báo đến chủ tài sản.
Hay như ở Philippines, chính phủ nước này không chỉ có Luật mua bán nợ xấu mà còn có ưu đãi miễn thuế đối với giao dịch mua bán nợ xấu... Sự thay đổi này đã thu hút ngay sự quan tâm của nhà đầu tư đối với khoản nợ xấu.
Thanh Hoa