Ngày 27/3, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo, đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản. Thỏa thuận này chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Cụ thể, thương vụ này sẽ mang về cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết với nhau Thỏa thuận Hợp tác kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC - công ty con của SMFG - cũng đã mua 49% cổ phần FE Credit - công ty con của VPBank. SMBC cũng giúp VPBank thu xếp nhiều khoản huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế.
VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC. |
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của SMBC vào năng lực và triển vọng của VPBank.
"Tất cả sự hợp tác giữa hai bên đều nói lên rằng, giữa hai định chế tài chính đã có sự thấu hiểu, đồng thuận với nhau. Với sự đồng thuận, thấu hiểu lẫn nhau đó, chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng sẽ cùng nhau đưa VPBank vươn lên một tầm vóc mới, đạt được những mục tiêu rất tham vọng trong tương lai”, ông Ngô Chí Dũng khẳng định.
Ông Jun Ohta, Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui khẳng định: "Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển của SMBC, quan hệ đối tác chiến lược với VPBank nằm trong chiến lược đó. Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai, SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này".
Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay, phá vỡ kỷ lục mà chính VPBank tạo ra trước đó (VPBank bán 49% vốn FE Credit với giá trị gần 1,4 tỷ USD).
Trước VPBank, quy mô thỏa thuận đầu tư chiến lược lớn nhất thuộc về thương vụ KEB Hana Bank rót hơn 20.000 tỷ đồng để mua 15% cổ phần BIDV vào năm 2019.
Khoản đầu tư từ SMBC dự kiến giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank.
Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.
Với khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.
Đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VPBank đạt xấp xỉ 27 tỷ USD. Ngân hàng có 251 chi nhánh trên khắp cả nước. Là một trong những ngân hàng có nền tảng vốn vững chắc nhất tại Việt Nam, với hệ số CAR xấp xỉ 15%, VPBank không chỉ vượt xa các quy định an toàn vốn mà còn tăng cường sức mạnh đáng kể cho bảng cân đối tài chính, tạo dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Trong khi đó, SMBC là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Nhật Bản. SMBC đang gia tăng sự hiện diện trên toàn cầu với một mạng lưới mở rộng tại 39 quốc gia và khu vực, bao gồm ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.
SMBC từng là cổ đông chiến lược của Eximbank, từ 2007. Tuy nhiên, sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở thượng tầng Eximbank, SMBC rút đại diện khỏi nhà băng, dừng hợp tác liên minh chiến lược và giảm tỷ lệ sở hữu về còn 4,27%.
Thanh Hoa