Dự kiến trong năm nay, LienVietPostBank sẽ hoàn tất thương vụ bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. |
Từ đầu năm đến nay hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong đó, ngoài phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu, một số nhà băng triển khai kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại.
Dồn dập công bố kế hoạch tăng vốn
Tuần trước, ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) công bố thông tin về việc phát hành 15 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ phát hành là 0,0473%. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VietCapital Bank dự kiến sẽ tăng lên 3.321 tỷ đồng.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc SCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.000 tỷ đồng từ mức vốn điều lệ 15.231 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, sau khi tăng vốn, vốn điều lệ của SCB sẽ đạt hơn 20.230 tỷ đồng.
Tại Hội nghị chiến lược kinh doanh 2021 mới đây, NCB cũng quyết định tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, cổ đông hiện hữu.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ, trong đó, ngoài phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu, thì nhiều nhà băng sẽ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Ví dụ, năm nay, NamABank triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó, ngân hàng sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ quy định.
Mới đây, OCB cho biết, kế hoạch ngân hàng sẽ bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Aozora Bank - một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản trong tháng 6/2020.
Đại diện LienVietPostBank cho biết, ngân hàng chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua, tuy nhiên, ban lãnh đạo đang tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm 2021, thời gian đàm phán tối thiểu 6 tháng.
Trước đó, SCB cũng cho hay, ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán một phần vốn, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính sau khi hoàn tất tái cơ cấu và tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ngân hàng muốn tìm cổ đông ngoại
Thực tế cho thấy, quá trình đàm phán bán vốn cho đối tác nước ngoài mất nhiều thời gian. Vả lại, đại dịch Covid-19 cũng khiến việc tìm kiếm đối tác càng trở lên khó khăn hơn.
Trong năm 2020, trong lĩnh vực mua bán-sáp nhập (M&A) ngân hàng, chỉ có thương vụ OCB bán 15% vốn điều lệ cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản) vào giữa tháng 6/2020. Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, Ngân hàng đã làm việc với nhiều đối tác và AOZ từ hơn 2 năm trước đó.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital cho rằng, tài chính - ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Song, room dành cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực này chỉ tối đa 30% là rào cản để thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% vốn.
Hiện tại, nhiều ngân hàng Việt Nam đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, ACB đã cạn room ngoại 30%. HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại. Techcombank bán 22,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. VIB chốt room ngoại ở mức 20,5%, trong đó, riêng cổ đông chiến lược nước ngoài là CommonwealthBank of Australia đã nắm giữ 20%. VPBank cũng đã bán 15% room ngoại...
Tuy nhiên, cũng còn không ít ngân hàng vẫn còn nguyên room ngoại. Đó là chưa kể với các ngân hàng đang tái cơ cấu, hay 3 ngân hàng “0 đồng”, đối tác nước ngoài có thể mua 100% vốn nếu được sự đồng ý của Chính phủ, nên cơ hội là rộng mở với các nhà đầu tư này.
Mặt khác, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), các ngân hàng VIB, VPBank, Techcombank và ACB là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của các ngân hàng châu Âu theo EVFTA.
Thanh Hoa