Trong các chiến lược chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2022, thanh toán số được xem là yếu tố quan trọng trong hoạt động phổ cập tài chính. Để thúc đẩy lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép cho 3 doanh nghiệp viễn thông là VNPT, MobiFone và Viettel thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Người dân chủ yếu sử dụng Mobile Money đóng tiền điện, nước, học phí
Ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, qua 6 tháng triển khai, doanh nghiệp ghi nhận hơn 0,5 triệu tài khoản được mở mới với 2.400 điểm nạp tiền, 2.100 điểm chấp nhận thanh toán dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ công, học phí.
Các nhà mạng tin tưởng Mobile Money sẽ bùng nổ trong quý III/2022. |
Theo ông Hy, VNPT hiện nay đã phần nào đạt được kỳ vọng ban đầu khi triển khai dịch vụ Mobile Money, đặc biệt là việc tiếp cận khách hàng ở phân khúc mới. "Với nửa triệu người dùng tính tới hiện tại, trong đó hơn 50% là người dân sống tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, lãnh đạo VNPT khẳng định vai trò của Mobile Money là một "cánh tay nối dài của dịch vụ ngân hàng truyền thống", giúp tiếp cận và mang dịch vụ tài chính số tới gần hơn với người dân ở các vùng miền hẻo lánh", ông Hy nói.
Còn theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 3/2021 đã có 1,1 triệu người sử dụng Mobile Money, trong đó có 60% tài khoản là khách hàng tại khu vưực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài số liệu về lượng người dùng đăng ký, sử dụng dịch vụ, NHNN thống kê tính đến hết tháng 3, cả nước có 3.000 điểm kinh doanh Mobile Money. Khoảng 900 điểm nằm ở những khu vực gặp khó khăn về hạ tầng, địa lý, tương đương 30%.
Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 12.800 điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục. Tổng giá trị giao dịch trong suốt thời gian thí điểm của 3 nhà mạng vượt 370 tỷ đồng, tổng số lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị.
Ông Lê Thế Vinh, đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia kinh tế số, xã hội số, hoàn thiện các mảnh ghép chiến lược chuyển đổi số quốc gia, định hướng đưa Việt Nam thành quốc gia số ổn định, thịnh vượng, phát triển môi trường số quốc gia an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Để thúc đẩy thanh toán số, trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với NHNN cấp phép cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm Mobile Money. Năm 2022, dự kiến có hơn 180.000 điểm giao dịch phổ cập đến hơn 100% xã phường cả nước.
Mobile Money sẽ được liên thông với tài khoản ngân hàng
Lãnh đạo nhiều nhà mạng đều khẳng định Mobile Money là dịch vụ quan trọng và then chốt sẽ được các doanh nghiệp tập trung đầu tư, phát triển mạnh trong năm 2022.
Tại Hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt" tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, nhiều khả năng trong quý III/2022, NAPAS sẽ thực hiện xong việc kết nối liên thông tài khoản ngân hàng với tài khoản Mobile Money với nhà mạng đầu tiên.
Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn băn khoăn khi tài khoản giữa các nhà mạng chưa được liên thông với nhau và hạn mức thanh toán thấp. Ông Ngô Diên Hy cho biết, hiện có khoảng 40-50% khách hàng tiếp cận dịch vụ Mobile Money là ở thành phố nên hạn mức thanh toán 10 triệu đồng/tháng là quá thấp. Bên cạnh đó, dù tài khoản ngân hàng và tài khoản Mobile Money sắp được liên thông nhưng tài khoản Mobile Money của các nhà mạng lại chưa được liên thông với nhau và chưa liên thông với merchant (ứng dụng di động đa tiện ích) của các trung gian thanh toán khác (ví dụ VNPay), gây lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định pháp luật về bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu định danh khách hàng dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên được ưu tiên xây dựng, nhằm hạn chế các rủi ro về bảo mật thông tin. Sự hợp lực tích cực của cơ quan quản lý sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để làm bùng nổ Mobile Money.
Ông Vinh đề nghị các ngân hàng cần khuyến nghị cho khách hàng và bổ sung các công nghệ mới để phát hiện các gian lận. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã liên tục phát hiện, đưa ra các khuyến cáo. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp không thể thành công nếu khách hàng không nâng cao nhận thức, vì thế các ngân hàng cần nâng cao nhận thức đầy đủ về an toàn thông tin…
Huyền Anh