Ngân hàng mở được hiểu là sự phát triển của một hệ sinh thái tài chính mới dựa trên kết nối giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp - đơn vị cung cấp dịch vụ thứ ba, được hỗ trợ bởi API (giao diện ứng dụng lập trình). Ngân hàng mở cho phép bên thứ ba truy cập vào dữ liệu tài chính như tài khoản vãng lai, tài khoản thẻ, tài khoản tiết kiệm, thông tin vay và thông tin xác thực danh tính (KYC).
Xu hướng phát triển ngân hàng mở
Tại Hội thảo trong chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam vừa được tổ chức, ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và chuyển đổi số (VIDTI), cho rằng hai năm gần đây, sau trào lưu ngân hàng số đã phát triển đến một mức mới thì nhu cầu các ngân hàng cần gia tăng tập khách hàng, giảm chi phí vận hành, phát triển cho nền kinh tế, thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp..., và ngân hàng mở đáp ứng được vai trò đó.
“Ngân hàng đã có tệp khách hàng, bài toán làm sao để gia tăng tập khách hàng mới, liên kết hệ sinh thái, chăm sóc khách hàng mà đầu tư ít nhất, cung cấp nhiều dịch vụ mà ngành ngân hàng hiện nay không đủ nguồn lực. Do đó, chúng ta có bên thứ ba để mở rộng tập khách hàng, bên thứ ba này cũng tận dụng tập khách hàng của ngân hàng để cộng sinh phát triển”, ông Vân nói.
Vài năm gần đây, xu hướng ngân hàng mở bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế thị trường cho thấy Việt Nam mặc dù chưa có tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật API chung cho ngân hàng mở nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng đổi mới sáng tạo như VietinBank iConnect (2019), BIDV Open API (2023), OCB API Developer Portal…
Các chuyên gia đánh giá, việc phát triển ngân hàng mở đang trở thành xu hướng, bởi không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà ngân hàng cũng hưởng lợi. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Quản lý kinh doanh, Tổ chức thẻ Mastercard, khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngân hàng mở. Ngân hàng mở mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu tài khoản tài chính của họ một cách an toàn với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác. Ngân hàng mở cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, giúp họ quản lý tài chính hiệu quả hơn.
Ngân hàng mở sẽ tổng hợp thông tin từ nhiều tài khoản, thẻ tín dụng và các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số trong một giao diện người dùng duy nhất. Người tiêu dùng có thể thanh toán trực tiếp thông qua dịch vụ họ đang sử dụng mà không cần phải chuyển đổi giữa các ứng dụng ngân hàng hoặc các dịch vụ thanh toán khác nhau.
Các nhà băng cũng đang hưởng lợi từ việc phát triển ngân hàng mở. “Ngân hàng mở sẽ có lợi thế để thúc đẩy doanh số, nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và tăng khả năng giữ chân khách hàng nhờ nhanh chóng ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình thanh toán. Việt Nam ở vị thế thuận lợi để tận dụng các cơ hội mở rộng hệ sinh thái ngân hàng mở”, ông Nguyễn Quốc Huy nhận xét.
Làm gì để ngân hàng tự tin đi theo xu hướng?
Theo NHNN, mặc dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: an toàn bảo mật, thách thức về công tác quản trị dữ liệu, thách thức về tiêu chuẩn chung.
Thực tế, 72,3% tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó có 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối. Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng Open API vẫn diễn ra theo hướng cục bộ, tức phát triển ở từng ngân hàng riêng lẻ. Việc mỗi bên đang có tiêu chuẩn riêng về kết nối, nền tảng công nghệ lõi để đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ cung cấp đã tạo nên các hợp tác đan chéo, tốn nguồn lực và chi phí.
Theo các ngân hàng, thay vì để xảy ra tình huống hàng ngân hàng có hàng chục Open API khiến bên thứ ba phải truy cập vào tất cả Open API để trao đổi dữ liệu, thì cần có một trung tâm (Hub) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào một nơi mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cho rằng ngân hàng mở là xu thế không còn mới nữa nhưng có nhiều hành lang pháp lý chưa được làm rõ.
Thứ nhất, giấy phép ngân hàng là có điều kiện, dịch vụ ngân hàng có điều kiện. “Vậy nếu cung cấp dịch vụ ra ngoài cho đối tác khác thì trách nhiệm cho đúng pháp luật dịch vụ đó thuộc về ai? Ví dụ, công ty về cờ bạc, gaming gọi dịch vụ API để chuyển tiền thì trách nhiệm ngân hàng như thế nào? Bản thân người cung cấp API có trách nhiệm thế nào đảm bảo đúng pháp luật?”, giám đốc một ngân hàng nêu vấn đề.
Ngoài ra, hiện nay chưa có đơn vị thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ ba được cấp phép sử dụng Open API của ngân hàng. Cùng với đó, việc bảo mật thông tin của ngân hàng mở cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn cho biết hiện nay, NHNN đã ban hành nhiều quy định, văn bản về việc mở tài khoản, mở thẻ, ví điện tử… phải được sự đồng ý của người dùng. Tất cả các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan đều phải đảm bảo giao dịch được thực hiện bởi chính chủ, góp phần giúp bảo vệ thông tin dữ liệu người dùng. Cũng có quy định về việc người dùng, chủ nhân dữ liệu mới có quyền chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng; đặc biệt là tuân thủ các quy định vừa có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.
Về hành lang pháp lý, ông Tuấn cho hay, hiện NHNN đang xây dựng trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và có thể hướng tới tạo ra mô hình kinh doanh mới.
Đồng thời, sớm ban hành thông tư về triển khai Open API trong ngành ngân hàng, nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.
Huyền Anh