Theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng có quyền phong tỏa hoặc đóng tài khoản không chính chủ, tài khoản được dùng làm phương tiện lừa đảo mà không cần chờ cơ quan công an vào cuộc.
Tìm giải pháp để đảm bảo an toàn
Tại buổi làm việc về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro, Chi hội Thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện giao dịch gian lận, lừa đảo qua dịch vụ thẻ, tài khoản... diễn ra hàng ngày, hàng giờ và gia tăng rất nhanh, với số tiền lừa đảo rất lớn.
Đại diện các ngân hàng chia sẻ, họ rất trăn trở và đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng tránh bị lừa đảo tiền qua tài khoản. Thời gian qua, nhiều nhà băng đã xây dựng một danh sách các tài khoản đáng ngờ thông tin và cảnh báo để khách hàng cảnh giác.
Từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học, hoặc dữ liệu qua đối chiếu không khớp thì tài khoản hiện có của khách hàng đó sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch trên phương tiện điện tử. |
Tuy nhiên, với những quy định khi Nghị định 52 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, tài khoản ngân hàng mà tội phạm sử dụng với mục đích lừa đảo được kỳ vọng sẽ bị “dọn dẹp”.
Cụ thể, tại Điều 12 Nghị định 52 về việc đóng tài khoản thanh toán sẽ được thực hiện khi chủ tài khoản vi phạm hành vi bị cấm như: mở tài khoản mạo danh, mua, bán cho thuê, cho mượn tài khoản; lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản; sử dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết: “Trước đây, nếu nghi ngờ một tài khoản được dùng vào việc lừa đảo nhưng chưa có kết luận cũng như quyết định chính thức từ cơ quan điều tra thì ngân hàng cũng không được phép hạn chế dòng tiền ra, vào tài khoản đó. Nhưng kể từ ngày 1/7, khi Nghị định 52 chính thức có hiệu lực, ngân hàng hoàn toàn có thể "mạnh tay" hơn với các tài khoản này”.
Mới đây, một số người sử dụng ứng dụng của MB đã chia sẻ về câu chuyện được cảnh báo chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo khi đang thực hiện thao tác chuyển tiền.
Được biết, đây là tính năng mới mà ứng dụng của MB triển khai từ ngày 18/6. Theo đó, khi khách hàng thực hiện thao tác chuyển tiền, hệ thống của MB sẽ tự động kiểm tra thông tin tài khoản người nhận. Nếu tài khoản này nằm trong danh sách nghi ngờ lừa đảo, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến khách hàng.
Cảnh báo này giúp khách hàng có thể dừng lại và kiểm tra lại thông tin trước khi tiếp tục giao dịch. Đây là một tính năng đặc biệt hữu ích trong bối cảnh các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khi mà chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến việc mất tiền trong tài khoản.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi các ngân hàng đồng loạt triển khai tính năng phát hiện và cảnh báo tài khoản lừa đảo cũng khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các hành vi lừa đảo, bởi tài khoản lừa đảo vẫn có thể được mở bất cứ khi nào.
Vì vậy, khi chưa có đầy đủ danh tính các tài khoản lừa đảo, để ngăn chặn và cảnh báo khách hàng khi chuyển tiền, cùng với giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 2345 quy định việc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt khi chuyển tiền số lượng lớn, được kỳ vọng có thể giảm thiểu nguy cơ lừa đảo.
Tài khoản không chính chủ sẽ không thể giao dịch online
"Với quy định xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền có giá trị lớn còn có thể giúp “dọn dẹp” các tài khoản “ảo”, tài khoản “rác” vốn vẫn là một trong những khó khăn trong quản lý tài khoản khách hàng của các ngân hàng thời gian qua", một chuyên gia nhận định.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu năm, Tập đoàn công nghệ Bkav cũng cho hay, tài khoản ngân hàng "rác" là nguồn cơn của vấn nạn lừa đảo tài chính qua mạng tại Việt Nam thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết: “Nguyên nhân là việc mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng đang diễn ra quá dễ dàng. Nhiều người đơn giản cho rằng bán đi các tài khoản mình không sử dụng sẽ không có vấn đề gì. Song thực tế, kẻ xấu đã lợi dụng những tài khoản ngân hàng này để thực hiện các giao dịch phi pháp, giấu nguồn gốc, gây khó khăn cho cơ quan điều tra”.
Vì vậy, “việc thực hiện quy định phải xác thực khuôn mặt với giao dịch giá trị lớn tuy chưa “quét” được hết với các giao dịch giá trị nhỏ, nhưng cũng đã hạn chế đáng kể tình trạng lạm dụng tài khoản “rác”. Qua đó, các tài khoản “rác” nếu vốn tồn tại thì cũng sẽ chỉ chuyển được tiền giá trị nhỏ, sẽ khó để các đối tượng lạm dụng cho các hoạt động phi pháp có tính chất nghiêm trọng”, một vị chuyên gia đánh giá.
Mới đây, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 18 quy định, từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học, hoặc dữ liệu qua đối chiếu không khớp thì tài khoản hiện có của khách hàng đó sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch trên phương tiện điện tử.
Quy định này được xem là động thái quyết liệt nhằm xử lý tài khoản "rác", tài khoản "ma", xác định tài khoản chính chủ. Bước đi của NHNN là rất cần thiết bởi thực tế thời gian qua xảy ra nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng nhưng không đòi lại được, bởi đó là tài khoản "rác", ảo.
Phản ánh từ Bộ Công an cho thấy, thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp Căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA thừa nhận: "Tội phạm luôn manh động, tinh vi, biến hóa mọi thủ đoạn để lừa đảo, thậm chí sử dụng công nghệ bẻ khóa được những giải pháp bảo mật mới nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Vì thế, đây là cuộc chiến lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở các giải pháp nói trên".
Huyền Anh