Theo Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2023 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) đạt 19.763 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng đầu năm, hoạt động chính của BIDV giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, mang về 41.266 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Các hoạt động ngoài lãi có kết quả trái ngược. Theo đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 17% lên 4.955 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng mạnh lên mức 3.139 tỷ đồng, tăng đến 56%. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng chuyển từ lỗ sang lãi gần 294 tỷ đồng.
![]() |
BIDV tiết giảm 20% chi phí trích lập dự phòng rủi ro, do đó lãi trước thuế tăng 12% lên 19.763 tỷ đồng. |
Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại chuyển từ lãi 117 tỷ đồng sang lỗ hơn 266 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Lãi từ các hoạt động khác cũng giảm 29%, xuống còn 2.752 tỷ đồng.
Kỳ này, BIDV tiết giảm 20% chi phí trích lập dự phòng rủi ro, chỉ còn 15.409 tỷ đồng, do đó dù hoạt động chính giảm nhưng lãi trước thuế vẫn tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên 19.763 tỷ đồng.
So với kế hoạch lãi trước thuế đề ra cho cả năm, BIDV đã hoàn thành khoảng 75% mục tiêu sau 9 tháng.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của BIDV tăng nhẹ 1% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 22% xuống còn 10.731 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 62% xuống 42.654 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 9% lên mức 1,65 triệu tỷ đồng…
Đáng chú ý, về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến 30/9/2023 của BIDV ghi nhận 26.393 tỷ đồng, tăng mạnh đến 50% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất, gấp 3,4 lần. Nợ có khả năng mất vốn (chiếm phần lớn tổng nợ xấu) cũng tăng 9%. Theo đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại BIDV tăng từ 1,16% tại thời điểm đầu năm lên 1,6%.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tại BIDV tăng 7% so với đầu năm lên hơn 1,58 triệu tỷ đồng. Các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 91%, còn 13.241 tỷ đồng.
Thanh Hồng