Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc mua bán sáp nhập (M&A) các ngân hàng yếu kém, về dài hạn, còn rất nhiều ngân hàng khác sẽ tham gia vào thị trường M&A. Tuy nhiên, các thương vụ M&A lớn sẽ ít đi, nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua cổ phần các ngân hàng nhỏ hoặc công ty tài chính có nền tảng công nghệ yếu, hoặc mua cổ phần và đầu tư công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, tài chính vi mô, bảo hiểm…
Nhiều thương vụ khủng sắp diễn ra?
Cuối tháng 3, VPBank công bố thỏa thuận bán 15% cổ phần, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). VPBank cho biết thương vụ này thu về 35.900 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của nhà băng từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng, đưa ngân hàng trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai tại Việt Nam.
VPBank vừa công bố thỏa thuận bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. |
Theo tài liệu mới được công bố, tại ĐHĐCĐ năm nay, VPBank không chỉ trình cổ đông thông qua thương vụ bán vốn 1,5 tỷ USD cho SMBC, mà còn để ngỏ nhiều thương vụ khác.
Cụ thể, VPBank trình cổ đông giao Hội đồng Quản trị chủ động thực hiện các giao dịch liên quan đến góp vốn, mua cổ phần, mua lại công ty con, liên kết, hợp tác hoặc tham gia các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém…
Ngoài ra, trên thị trường cũng có tin đồn rằng, VPBank đang xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc GPBank. Trước đó, năm 2022, VPBank đã lần lượt mua lại Công ty Chứng khoán ASC và Công ty Bảo hiểm OPES.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, việc VPBank tham gia nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém sẽ giúp ngân hàng này được cấp hạn mức tín dụng cao hơn so với mức trung bình của ngành trong năm nay.
Ngoài VPBank, mới đây, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng xác nhận, tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, ban lãnh đạo sẽ trình cổ đông thông qua phương án sáp nhập một ngân hàng.
“Xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu. Chúng tôi đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn”, vị lãnh đạo này cho biết.
Trước tin đồn MSB sẽ sáp nhập PG Bank đang rộ lên trên thị trường, lãnh đạo MSB không xác nhận, song cũng không bác bỏ. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PG Bank lại phủ nhận kế hoạch sáp nhập với một ngân hàng khác.
Được biết, ngày 7/4 vừa qua, 120 triệu cổ phiếu PGB của PG Bank do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex sở hữu đã được đấu giá thành công với tổng giá trị cổ phiếu bán được là 2.568 tỷ đồng.
Ngoài 2 thương vụ kể trên, một số ngân hàng như: Vietcombank, HDBank, MB đang có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Theo thông tin ban đầu được hé lộ, MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank, HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongABank và Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CB).
Tâm điểm sẽ là nhà băng yếu kém
TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận Tư vấn thương vụ, Công ty kiểm toán và tư vấn KPMG Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều lo ngại về sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, song thị trường M&A trong năm 2023 vẫn chứa đựng nhiều cơ hội toả sáng.
Theo Phó Tổng Giám đốc KPMG dự báo, trong năm tới đây, ngành tài chính – ngân hàng sẽ trở thành lĩnh vực nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư lớn và có cơ hội chốt “deal” trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại dự báo, hoạt động M&A trong ngành tài chính ở Việt Nam sẽ duy trì tình trạng sôi động. Lý do là số lượng ngân hàng tham gia thị trường vẫn lớn, trong khi Chính phủ và NHNN đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và các ngân hàng nhỏ yếu kém sẽ khó tránh khỏi M&A.
Thực tế, đầu năm nay, Thống đốc NHNN đã có Chỉ thị 01 chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xử lý ngân hàng yếu kém thuộc diện tại cơ cấu hiện (DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank). Ngoài ra, từ giữa tháng 10 năm 2022, NHNN đã đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt. Như vậy, số lượng các ngân hàng yếu kém cần phải tập trung xử lý đã có sự gia tăng đáng kể.
Để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, mới đây NHNN ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Dự thảo này đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm nhân hàng “Big 4”) sẽ được nới room vốn ngoại lên mức tối đa 49%.
Thông tin từ NHNN, theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Đây là cơ hội để thị trường M&A ngân hàng thời gian tới thêm nhộn nhịp.
Huyền Anh