Phó thống đốc Ngân hàng Phạm Thanh Hà cho biết trong năm nay, NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, không nới thêm để ổn định lãi suất, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Tăng trưởng 14% là hợp lý
Trước biến động của thế giới thời gian qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường kiến nghị cần có những trọng tâm ưu tiên đối với ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động của Việt Nam, bao gồm các ngành xuất khẩu.
Theo vị chủ tịch này, 6 tháng đầu năm 2022, tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng tốt lên tới 9,3%, các doanh nghiệp vay được vốn. Nhưng bước sang tháng 7, tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng chỉ còn 0,6%; doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, không vay được tiền để mua nguyên liệu.
Ngân hàng Nhà nước đã cấp hết 13,6% trong tổng số 14% room tín dụng năm nay. |
Nêu thực tế này, ông Lê Tiến Trường đề nghị: "Room tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì, trong khi hiện nay tất cả các khách hàng trên thế giới đều giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày lên 120 - 150 ngày… Vì vậy, các ngân hàng cần ưu tiên vốn đối với những ngành trọng điểm như dệt may".
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp rất xoay xở với room tín dụng hiện nay, song cũng thông cảm với động thái thận trọng của NHNN. Cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay những tháng cuối năm là vô cùng khó khăn vì tín dụng toàn ngành tăng 9,91%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 3,8%.
Một chuyên gia nêu quan điểm, với áp lực lạm phát như hiện nay, NHNN cần thận trọng với cung tiền và cần kiên định với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng 14% là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.
"Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá sẽ lớn, gây sức ép với lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt"
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh
Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Quan trọng là cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.
Cần có lộ trình bỏ room tín dụng
Tại phiên thảo luận toàn thể trong diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, nói về room tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, câu chuyện không chỉ là tổng mức tín dụng mà quan trọng còn là cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng, phải tiếp tục tính toán cơ cấu tín dụng để đưa dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, khu vực có dư địa tăng trưởng.
“Cần phải khắc phục được tình trạng doanh nghiệp ngại vay mà ngân hàng cũng ngại cho vay. Tại sao cũng là vốn vay hỗ trợ lãi suất mà qua Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng nông nghiệp đều giải ngân rất tốt còn qua các tổ chức tín dụng khác thì lại nói “sợ giải ngân, sợ đi vay, sợ không dám đi vay. Nói thế là không thuyết phục”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cho rằng: Tổ chức tín dụng không phải cứ chăm chăm “sống” bằng tín dụng mà phải tăng cường doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, tăng cường tiềm lực cho các ngân hàng, kể cả biện pháp tăng nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại...
Đối với vấn đề cung ứng tiền và chính sách tiền tệ, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tiền tệ trong tăng lãi suất và cung ứng tiền để kiểm soát lạm phát.
Ở Việt Nam không tăng lãi suất mà vẫn kiểm soát được cung tiền vì có hạn mức tín dụng. "Hạn mức tín dụng là điều gây nên rất nhiều tranh cãi nhưng theo tôi hạn mức tín dụng cần duy trì trong một thời gian nữa, đến khi Việt Nam cũng như thế giới có thể ổn định được lạm phát", ông Phước nêu quan điểm.
Tuy vậy, ông lưu ý cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai bỏ room tín dụng, tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền, buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trường mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định.
Chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo, tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.
Huyền Anh