Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn trong 8 tháng đầu năm đạt 2.863 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2021.
Khơi thông nguồn vốn sản xuất kinh doanh
Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội cho biết, các TCTD trên địa bàn thành phố đang tích cực đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo con số thống kê tại cơ quan này, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD ước hết tháng 8/2022 đạt 2.863 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 31/12/2021. Trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 11,6%, dư nợ trung và dài hạn tăng 10,2%, dư nợ VND tăng 11,8%, dư nợ ngoại tệ tăng 1,2% so với 31/12/2021...
Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn TP. Hà Nội trong 8 tháng đầu năm đạt 2.863 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2021. |
Trong khi đó, hoạt động huy động vốn tại Hà Nội tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Ước hết tháng 8, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 4.567 tỷ đồng, tăng 7,4% so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 6,9%, tiền gửi thanh toán tăng 8,1% so với thời điểm 31/12/2021.
Đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57,7 nghìn khách hàng với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 178,1 nghìn khách hàng với dư nợ 254,2 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 965,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 97,7 nghìn lượt khách hàng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và định hướng điều hành của NHNN, các TCTD trên địa bàn Hà Nội chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, cuối tháng 8 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển thành phố nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sang kinh doanh mảng khác.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách. Do đó, cần cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị.
Ông Nguyễn Vân cũng kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm mới có lãi, thậm chí phải 5-10 năm.
Ngân hàng dành ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp
Đại diện Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới các ngân hàng cung cấp đầy đủ thông tin về các chương trình ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoàn tất các thủ tục hồ sơ vay vốn…
Trước những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TP. Hà Nội khẳng định, ngân hàng luôn luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên. Quan điểm chung của các ngân hàng là cố gắng giữ được lãi suất, kiềm chế lạm phát.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội kêu gọi các ngân hàng dành những ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp và mong muốn Sở Công Thương, Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội thường xuyên có sự phối hợp, hằng năm tổ chức hội nghị để các doanh nghiệp, ngân hàng có cơ hội gặp gỡ trao đổi. Các hội, hiệp hội cố gắng tổng hợp những nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thông qua Sở Công Thương, truyền tải cho các ngân hàng thương mại để có phương án giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Văn Tuấn, giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Sở Giao dịch Hà Nội cho biết, tại Vietcombank, tăng trưởng dư nợ tập trung mạnh vào một số ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực...
Ðối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh việc ưu tiên room tín dụng, Vietcombank tiếp tục vận hành và ban hành thêm các chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi; tiếp tục áp dụng chương trình giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Vietcombank đã nghiên cứu nhu cầu, đặc điểm để ban hành riêng ba gói sản phẩm chuyên biệt với những ưu đãi, chính sách hỗ trợ đến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực”, giám đốc Vietcombank cho biết.
Thanh Hoa