Thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước trong hơn 3 thập kỷ qua đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian này.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2023, kiều hối về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, riêng TP. Hồ Chí Minh là khoảng 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 - cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Hàng năm, TP Hồ Chí Minh là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Năm ngoái, lượng kiều hối về thành phố gấp 2,7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Tính đến cuối tháng 9, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đã đạt trên 5,48 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. |
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thống kê sơ bộ từ 14 công ty kiều hối trên địa bàn, tính đến cuối tháng 9, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đã đạt trên 5,48 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Ông Trịnh Hoài Nam, giám đốc Công ty Kiều hối Vietcombank thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng kiều hối về qua Vietcombank khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương kim ngạch xuất khẩu dầu thô hoặc kim ngạch xuất khẩu của một tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng hoặc Khánh Hòa.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng vẫn còn tình trạng lượng kiều hối chuyển qua kênh ngân hàng chỉ đạt khoảng 50% tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, còn lại được chuyển qua kênh tiểu ngạch. “Kiều hối được hiểu là tiền từ cá nhân nước ngoài gửi về cho người thân tại Việt Nam. Để tăng lượng kiều hối, có thể mở rộng cơ chế dành cho đối tượng gửi tiền về là các tổ chức, vì đây là nhóm đối tượng có nền tảng tài chính tốt, thường chọn gửi qua kênh chính ngạch thay vì đường tiểu ngạch”, ông Nam đề xuất.
Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam đã phối hợp với các công ty chuyển tiền tại 250 quốc gia, giúp kiều bào chuyển tiền về nước thuận lợi. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã số hóa hoạt động chi trả kiều hối qua tài khoản ngân hàng; dịch vụ nhận kiều hối thuận tiện như chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND và người nhận có thể rút tại các máy rút tiền tự động hay chuyển vào tài khoản tiết kiệm trực tuyến.
Ông Trần Bá Phúc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA), cho biết hiện có khoảng 400.000 người Việt Nam đang sống tại Úc. Hàng năm, các kiều bào này gửi về Việt Nam hơn 13 tỷ USD, chiếm 15-17% trong tổng số lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Tuy nhiên, có thực trạng là dịch vụ ngân hàng Việt Nam chưa mở rộng ra tại Úc, trong khi các ngân hàng nước ngoài thu phí rất cao.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM thông tin, trước mắt, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phối hợp với NHNN chi nhánh TPHCM để tạo hành lang chuyển khoản kiều hối, hỗ trợ phí giao dịch để hỗ trợ người chuyển tiền. Truyền thông để thay đổi thói quen chuyển tiền của kiều bào, từ kênh không chính thức sang kênh chính ngạch tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực triển khai hệ thống dữ liệu người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm năng hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tại các nước để đẩy mạnh hàng hóa của TPHCM ra các nước, thu ngoại hối về TPHCM. “Sẽ phối hợp với cơ quan truyền thông trong nước để mạnh công tác tuyên truyền về đề án để bà con kiều bào hiểu rõ chủ trương, định hướng đầu tư kiều hối về lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp sạch, du lịch hoặc hạ tầng giao thông, kinh tế, sẽ có danh mục đầu tư rõ ràng để thông tin đến bà con kiều bào…”, bà Vũ Thị Huỳnh Mai khẳng định.
Góp ý về chính sách thu hút nguồn lực kiều hối, ông Johanatha Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nhận định: "Cần phát thông điệp rõ ràng với kiều bào là kiều hối được gia đình toàn quyền sử dụng, không phải chịu thêm bất kỳ khoản thuế nào, đồng thời lại là nguồn lực đóng góp cho phát triển kinh tế".
Đồng thời, theo ông Hạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng tại Việt Nam cần làm việc, kết nối với các ngân hàng trên quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục cho người gửi tiền về nước. Ví dụ, hai bên có thể cùng thống nhất, đưa ra một hạn mức nhất định giúp kiều bào chuyển tiền về giá trị thấp được đơn giản hóa thủ tục hơn.
Thanh Hoa