Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, thực tế nhiều doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, mặc dù được hưởng các chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Tín dụng bất động sản tăng mạnh
Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2022 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).
Còn theo số liệu công bố của NHNN đến ngày 7/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2021 và tăng 16,76% so với cùng kỳ năm 2021 do cầu tín dụng tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20,81% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế |
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP; Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung; Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Riêng về tín dụng bất động sản, số liệu công bố mới nhất của NHNN, tính đến tháng 7/2022, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 14,69% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao và chiếm tỉ trọng hơn 20% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng với bất động sản kinh doanh tăng 6,6%; bất động sản mục đích tự sử dụng tăng 19,03%. Đáng lưu ý, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 28,71%, chiếm 0,35%. Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống (tín dụng tiêu) tăng 14,99%, chiếm 20,9%.
Có thể thấy, ngay từ đầu năm NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… “Thời gian qua, hầu hết hồ sơ tín dụng vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đều bị dừng xét duyệt, cùng với việc cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chặt hơn việc huy động trái phiếu, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn vốn để phát triển dự án. Đặc biệt, những dự án mua bán, sáp nhập lại càng khó khăn hơn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn để tái phát triển dự án”, Tổng Giám đốc Đông Dương Land Lò Thị Dung cho hay.
Doanh nghiệp "đói" vốn
Khi các ngân hàng “siết” vốn chảy vào bất động sản, vấn đề dòng tiền trở thành mối quan tâm lớn không chỉ của doanh nghiệp mà của cả giới đầu tư và người có nhu cầu thực.
Tuy nhiên, đa số các ngân hàng đều cho biết, đối với mảng bất động sản mua để ở, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân việc cho vay vẫn đang diễn ra bình thường. Còn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư các dự án mới, ngân hàng phải phân loại và xem xét cấp vốn đối với các dự án tốt, tính khả thi cao.
Trước tình hình các ngân hàng kiểm soát chặt vốn vay cho lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp kỳ vọng những tháng cuối năm dòng vốn tín dụng cho bất động sản sẽ được khơi thông trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là "Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước".
Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội chia sẻ: Công ty có khoản vay hơn 2.000 tỷ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân. Nhưng từ tháng 3 đến nay chưa giải ngân được vì ngân hàng thông báo “hết room”. Đầu tháng 9 ngân hàng được nới room nhưng chỉ giải ngân cho doanh nghiệp với mức rất hạn chế.
“Các đại diện ngân hàng nói vẫn cho vay bình thường nhưng ở góc độ doanh nghiệp tôi xin nói thẳng là chẳng bình thường chút nào. Tôi có cảm giác là ngân hàng có 2 luồng phê duyệt hồ sơ, khi gặp các ngân hàng, mỗi nơi nói một kiểu nên doanh nghiệp rất là rối. Doanh nghiệp sống sót vượt qua dịch Covid-19 đã là may mắn rồi. Những thông tin vay vốn từ ngân hàng làm chúng tôi rất bất an. Từ nay đến cuối năm doanh nghiệp bất động sản rất cần nguồn vốn từ ngân hàng”, vị giám đốc nói.
Phản hồi từ phía NHNN, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, việc NHNN ban hành các quy định và thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát rủi ro đối với tín dụng BĐS, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh nhưng vẫn đảm bảo khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, phương án vay vốn hiệu quả, khả thi vẫn được thuận lợi tiếp cận vay vốn.
Đồng thời cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Huyền Anh