Việt Nam lại trở thành nơi để các đối tượng thực hiện các vụ giả mạo thẻ |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng số lượng thẻ ngân hàng đến cuối năm 2017 đã đạt hơn 121 triệu, tăng thêm hơn 11 triệu thẻ tương đương 11,5% so với cuối năm 2015 . Tuy nhiên, số lượng thẻ quá lớn cũng gây khó khăn trong công tác quản lí và gây lãng phí về mặt tài chính.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thẻ ATM hiện nay không chỉ dùng để rút tiền mà còn để thanh toán hóa đơn điện nước, hóa đơn điện thoại di động, đặt vé máy bay… Có nhiều công dụng, tuy nhiên, thẻ ATM hầu như chỉ được dùng vào việc rút tiền. Còn lại mọi giao dịch khác, người dân vẫn lựa chọn thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Thanh-Ba Đình-Hà Nội-cho biết hiện nay, chị có 3 thẻ ATM của ba ngân hàng khác nhau nhưng chủ yếu dùng để rút tiền. Còn lại các giao dịch khác chị vẫn dùng tiền mặt.
“Phí thẻ ATM tăng và nhiều loại phí, nhất là giao dịch khác ngân hàng, nên tôi làm nhiều thẻ để rút cho tiện. Thực chất tôi chỉ dùng thẻ của ngân hàng Vietcom bank là chính”-chị Thanh cho biết.
Thậm chí, nhiều người còn làm 5-6 chiếc thẻ chỉ với mục đích trải nghiệm các dịch vụ của từng ngân hàng.
Việc một người có nhiều thẻ ATM nhưng chỉ dùng vào mục đích rút tiền không chỉ gây lãng phí về tài chính mà còn là lỗ hổng để cho một số đối tượng sử dụng giấy tờ giả làm thẻ ATM, tài khoản ngân hàng để bán lại. Trong đó, người mua những loại thẻ này có thể sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Trước thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước vừa ra văn bản 3804, yêu cầu các ngân hàng cân nhắc xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một khách hàng, kiểm tra, rà soát giao dịch thanh toán của các đơn vị chấp nhận thẻ để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Việc này nhằm sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng thẻ, tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
NY