LienVietPostBank trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài |
Trong tài liệu trình cổ đông về chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2020, LienVietPostBank đưa ra mục tiêu tổng tài sản tăng nhẹ từ 202 nghìn tỷ đồng cuối năm 2019 lên mức 210 nghìn tỷ đồng; Huy động vốn trên thị trường 1 tăng gần 2 nghìn tỷ đồng lên mức 168 nghìn tỷ đồng; Dư nợ trên thị trường 1 là 156 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐQT, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành giảm; các hoạt động dịch vụ sụt giảm do khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, phí dịch vụ giảm, các ngân hàng cơ cấu nợ, giảm lãi vay theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; Nợ xấu, nợ quá hạn có nguy cơ gia tăng... đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Trên cơ sở đó, LienVietPostBank đưa ra mục tiêu lợi nhuận năm 2020 giảm xuống còn 1.700 tỷ đồng (năm 2019 là 2.039 tỷ đồng).
Năm 2020, LienVietPostBank tiếp tục kiên định với chiến lược bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh về mạng lưới. Ngân hàng thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ và đáp ứng kịp thời cho các đối tượng khách hàng khu vực nông thôn còn rất nhiều tiềm năng mà các ngân hàng khác chưa có khả năng khai thác.
Theo báo cáo của HĐQT gửi cổ đông, LienVietPostBank sẽ hoàn thành việc chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) sang niêm yết tại HoSE trong năm 2020.
Việc chuyển sàn niêm yết được HĐQT lý giải nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế cũng như các khách hàng đang giao dịch tại ngân hàng, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông khi chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, kế hoạch tăng vốn điều lệ được thực hiện thành 2 đợt: Đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, dự kiến hoàn thành trong năm 2020; Đợt 2, ngân hàng thực hiện tăng vốn thông qua phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chào bán không quá 4,99%.
Như vậy, LienVietPostBank là một trong số ít các ngân hàng thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông rất đều đặn kể từ khi thành lập đến nay trong bối cảnh một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc chi trả cổ tức hàng năm cho cổ đông.
Theo LienVietPostBank, việc tăng vốn là cần thiết giúp ngân hàng tuân thủ các quy định chặt chẽ về chỉ số an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn theo thông lệ của Basel II. Đồng thời, nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, tạo nguồn lực phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả trong các năm tiếp theo.
Thanh Hoa