Bên cạnh một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm sau kiểm toán, vẫn có những ngân hàng có lợi nhuận tăng lên (Ảnh minh hoạ) |
Một nhà đầu tư cho biết, thông thường báo cáo tài chính (BCTC) sau kiểm toán thường được công bố sau khi mùa đại hội cổ đông đã kết thúc. Vì thế, có trường hợp doanh nghiệp “vẽ” ra những con số đẹp để làm “ấm lòng” cổ đông tại đại hội. Và nếu kiểm toán phơi bày ra những con số chênh lệch thì doanh nghiệp sẽ giải thích sau khi... “việc đã rồi”!
Lợi nhuận biến động lớn sau kiểm toán
Thực tế cho thấy, cứ mỗi mùa công bố BCTC sau kiểm toán, nhiều chỉ số kinh doanh của một số ngân hàng lại có sự thay đổi theo hướng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Ngay sau đó, mỗi nhà băng đều có một lý do để giải trình cho sự “vênh” nhau giữa báo cáo tự lập và báo cáo sau soát xét.
Theo BCTC hợp nhất sau kiểm toán vừa được Eximbank công bố, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 đã soát xét đạt 441 tỷ đồng, giảm 169,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương giảm 27,77%).
Eximbank lý giải, nguyên nhân là thu nhập lãi thuần giảm 48,2 tỷ đồng (giảm 2,9%) so với cùng kỳ năm 2019 do ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ (gốc/lãi), giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đối với các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), kể từ ngày được tái cơ cấu lại, Eximbank không hạch toán dự thu, mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu.
Chi phí hoạt động sau kiểm toán của Eximbank cũng giảm gần 62 tỷ đồng (giảm 4,37%) so với cùng kỳ năm 2019 do ngân hàng chủ động rà soát và cắt giảm các chi phí hoạt động theo Chỉ thị 02 của NHNN nhằm tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Đối với báo cáo riêng lẻ ngân hàng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 đã soát xét đạt 444 tỷ đồng, giảm 157 tỷ đồng (tương đương giảm 26,15%) so với lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm 2019.
Tương tự như Eximbank, nợ xấu và lợi nhuận của BIDV sau soát xét cũng biến động lớn.
Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng giảm 432 tỷ đồng (tương đương 10,2%) xuống 3.806 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) - nhóm nợ nguy hiểm nhất tăng thêm 433 tỷ đồng (tương đương 3,2%) lên mức 13.776 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ xấu của BIDV tăng thêm 1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Kiểm toán cũng giảm tổng tài sản gần 314 tỷ đồng xuống 1.446.040 tỷ đồng từ mức 1.446.354 tỷ đồng trước soát xét. Tổng tài sản giảm chủ yếu do sự điều chỉnh xuống của các khoản phải thu và lãi dự thu.
Ngoài ra, do dịch chuyển nhóm nợ từ nợ dưới tiêu chuẩn sang nợ có khả năng mất vốn, BIDV đã phải tăng thêm hơn 219 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm sau soát xét của BIDV giảm 2% so với báo cáo tự lập, xuống gần 4.359 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế chỉ còn gần 3.493 tỷ đồng.
Cần “mạnh tay” xử lý để răn đe
Còn tại NamABank, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) sau soát xét đã tăng lên gấp gần 5 lần, đạt mức 1.537 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 1,66% lên mức 2,93%.
Tuy nhiên, có những ngân hàng đi “ngược dòng” khi lợi nhuận sau kiểm toán lại tăng lên. Điển hình như VietCapital Bank vừa có giải trình liên quan đến BCTC bán niên sau soát xét về việc lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2020 tăng mạnh với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất bán niên 2020 của VietCapital Bank đạt 49,226 tỷ đồng, tăng 10,96 tỷ đồng, tương ứng tăng 28,64% so với cùng kỳ năm 2019.
VietCapital Bank cho biết, lợi nhuận sau thuế tăng chủ yếu do biến động ở các khoản mục: thu nhập lãi thuần tăng 23%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 7% và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 313% trong nửa đầu năm nay.
Theo lý giải của các ngân hàng trên có thể thấy, các sai lệch trong BCTC do ngân hàng tự lập và sau kiểm toán thường xuất hiện những sai sót trong việc ghi chép và trình bày các khoản mục trên BCTC. Phần nhiều do chênh lệch từ quan điểm khác nhau giữa ngân hàng và kiểm toán viên liên quan đến các ước tính kế toán như các khoản dự phòng, khấu hao và phân bổ…
Sai sót hay gặp nhất là do nhầm lẫn từ các đơn vị thành viên, đơn vị liên doanh liên kết làm cho BCTC hợp nhất cũng bị sai theo, khi thực hiện kiểm toán các đơn vị thành viên thì mới phát hiện ra sai sót.
Chênh lệch số liệu BCTC trước và sau kiểm toán, soát xét BCTC là câu chuyện tồn tại dai dẳng trên thị trường chứng khoán trong nước nhiều năm nay. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định mua bán của các nhà đầu tư, đồng thời gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết.
Vì vậy, theo các chuyên gia, dù các doanh nghiệp đưa ra bất cứ lý do gì để lý giải thì cơ quan quản lý cần có những chế tài mạnh để bảo vệ nhà đầu tư. Thực tế, nhiều trường hợp công bố sai số liệu của các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và lợi nhuận sau thuế so với BCTC được kiểm toán đã bị cơ quan quản lý xử phạt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mức phạt vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
"Cơ quan quản lý cần mạnh tay với những doanh nghiệp thường xuyên sai phạm. Cần có chế tài và nhiều hình thức phạt, đặc biệt là nếu vi phạm nghiêm trọng thì cần khởi tố hình sự để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch hơn", một chuyên gia khuyến nghị.
Thanh Hoa