Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng năm 2018 đạt 357,5 triệu USD.
Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư.
Tiềm năng thị trường gần
Thống kê cho thấy hiện nay Lào và Campuchia là hai thị trường có sự hiện diện của nhiều ngân hàng Việt nhất, trong đó Lào dẫn đầu chiếm 53,4% và Campuchia là 17,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là thị trường Myanmar, Singapore…
Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng Việt chủ yếu hiện diện tại thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là các nước láng giềng và dường như còn khá e dè với những thị trường đòi hỏi tính cạnh tranh, sự minh bạch cao như thị trường Âu – Mỹ.
Trên thực tế, mới chỉ có một số ít ngân hàng lớn của Việt Nam đầu tư sang các nước châu Âu theo kiểu “thăm dò” thị trường, như: VietinBank mở chi nhánh ở Đức; BIDV mở chi nhánh ở Liên bang Nga.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng xét về các phương diện ngoại giao, địa lý, cạnh tranh thị trường khách hàng, chi phí hoạt động, rủi ro thị trường…, các nước trong khu vực Đông Nam Á có sự tương đồng với Việt Nam. Chính vì thế, các nhà băng thường chọn những thị trường này làm “điểm đến” đầu tiên.
Trong khi đó, tại các thị trường Âu – Mỹ có tính cạnh tranh rất cao, rủi ro thị trường lớn, chi phí hoạt động tốn kém hơn so với thị trường ở Đông Nam Á, vì vậy đòi hỏi ngân hàng Việt phải có sự chuẩn bị tốt các phương án, có đủ tiềm lực để cạnh tranh.
Đồng thời, các nhà quản trị ngân hàng Việt Nam phải chú trọng đến trình độ của đội ngũ quản lý và nhân viên của chi nhánh ở nước ngoài, chú trọng đào tạo cả về trình độ chuyên môn, đạo đức và khả năng am hiểu địa phương. Những yếu tố này chính là nguyên nhân khiến thị trường Âu – Mỹ chưa hấp dẫn được các ngân hàng Việt.
Trong khi một số ngân hàng ngoại thu hẹp hoạt động hoặc rời khỏi Việt Nam, gần đây các ngân hàng Việt quy mô lớn sau khi có được lợi thế áp đảo trên “sân nhà”đã không ngừng mở rộng mạng lưới ra nước ngoài, đặc biệt là những nước lân cận.
Thời gian qua, một số ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, Sacombank, SHB, MB, VietinBank… liên tục mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar…
Mở rộng thị trường ra nước ngoài được xem là chiến lược của nhiều nhà băng |
Cần “sức khỏe” và minh bạch
Tại những thị trường này, hầu hết các ngân hàng Việt đều làm ăn có lãi. Đơn cử như năm 2017, lợi nhuận ngân hàng con của VietinBank ở Lào đạt 4,33 triệu USD (97,8 tỷ đồng), hoàn thành 103% chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Tương tự, Sacombank tại Campuchia tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017 khoảng gần 40 tỷ đồng. Các ngân hàng con của SHB ở nước ngoài trong năm 2017 cũng mang về 192 tỷ đồng, bằng 10% tổng lợi nhuận trước thuế của nhà băng này…
Sự sôi động “hướng ngoại” của lĩnh vực tài chính ngân hàng được các chuyên gia đánh giá là chiến lược phát triển phù hợp của các ngân hàng Việt nhằm tận dụng cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư làm ăn tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước trong khu vực ASEAN như: Malaysia, Indonesia, Philippines… nên cần có hệ thống ngân hàng đi theo.
Việc mở rộng phát triển của các ngân hàng cũng phù hợp với Quyết định 986 của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 có ít nhất 2 – 3 ngân hàng Việt nằm trong top 100 ngân hàng châu Á về tổng tài sản và có 3 – 5 ngân hàng niêm yết ở sàn chứng khoán nước ngoài.
Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, việc mở rộng mạng lưới hoạt động sang các nước trong khu vực đang nằm trong chiến lược phát triển. Trong đó, đại diện Vietcombank cho biết, dự kiến trong thời gian tới, nhà băng này sẽ mở chi nhánh tại Australia và văn phòng đại diện tại Mỹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thị trường châu Phi, châu Âu dù được đánh giá có cơ hội và tiềm năng phát triển, nhưng hiện mới dừng lại ở hợp tác xuất nhập khẩu, bán hàng hóa, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt mở công ty nên với dịch vụ tài chính ngân hàng vẫn còn xa vời.
“Để cạnh tranh được với các ngân hàng bản xứ, ngân hàng Việt phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu luật pháp, quy định, văn hóa tại quốc gia đó, hiểu tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp tại nơi đó. Đặc biệt, ngân hàng Việt phải thật sự lớn mạnh và minh bạch mới có thể đủ sức cạnh tranh”, một chuyên gia nhìn nhận.
Huyền Anh