Chiến tranh Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế leo thang đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, áp lực lạm phát tăng là rất lớn và ngành ngân hàng được xếp vào nhóm ngành có ảnh hưởng tiêu cực, bởi lạm phát tăng, kéo theo lãi suất huy động tăng, khiến “nồi cơm” lợi nhuận của ngân hàng nhỏ lại.
Dòng tiền huy động tiếp tục sụt giảm nếu lạm phát tăng
Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh. Hơn nữa, áp lực lạm phát tăng dần nên lãi suất huy động bắt đầu nhích lên từ đầu năm đến nay tại nhiều ngân hàng. Riêng đối với nhóm NHTM Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank), SSI dự báo có khả năng cũng sẽ tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,2%-0,25%/năm so với mức lãi suất hiện tại trong nửa cuối năm 2022.
Lãi suất huy động tăng, nhưng lãi vay vẫn "đứng im" khiến “nồi cơm” lợi nhuận của ngân hàng nhỏ lại. |
Mặc dù tăng lãi suất tiền gửi, nhưng nhiều ngân hàng thương mại cho hay, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ vẫn giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, trong khi mặt bằng lãi suất huy động đang nhích lên rõ rệt. "Đây là một thách thức không hề nhỏ với các ngân hàng", lãnh đạo một ngân hàng thương mại lo lắng.
Thực tế, hai năm qua, môi trường lãi suất thấp khiến tốc độ tăng trưởng huy động vốn khu vực dân cư của ngân hàng sụt giảm mạnh và thấp hơn tiền gửi doanh nghiệp.
NHNN vừa công bố số liệu mới nhất cho biết, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới 15,7% so với cùng kỳ, đạt hơn 5,645 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2021. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ nhóm dân cư chỉ ở mức thấp, khoảng 3,08% so với một năm trước, đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng.
Đáng nói, huy động vốn vẫn tiếp tục tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2022. Tính đến 25/2, huy động vốn tăng 1,29% (VND tăng 1,30%, ngoại tệ tăng 1,24%) so với cuối năm 2021, trong khi đó tăng trưởng tín dụng đạt 1,82%.
Nói về lãi suất, lãnh đạo một số ngân hàng lo ngại dòng tiền huy động tiếp tục sụt giảm nếu lạm phát tăng, vì vậy, ngân hàng đã phải nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, trong khi không thể tăng mạnh lãi suất cho vay tương ứng. Điều này sẽ làm giảm tỷ lệ NIM (phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất tín dụng – biên lãi thuần) của các ngân hàng.
“Hiện tại, các ngân hàng vẫn sống dựa khoảng 70% vào tín dụng, NIM giảm sẽ làm lợi nhuận ngân hàng không như kỳ vọng”, vị lãnh đạo này cho hay.
NIM ngân hàng giảm
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, xu hướng giảm lãi suất cho vay để kích thích các hoạt động của nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến giữa năm 2022. Trong khi đó, tốc độ huy động vốn đang chậm lại rõ rệt.
Nguyên nhân là do dòng tiền gửi dân cư đang dịch chuyển sang những kênh đầu tư hấp dẫn hơn như chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp.
“Do đó, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ có ít dư địa để giảm hơn nữa vì các ngân hàng thương mại cần phải đảm bảo các tiêu chí về “bộ đệm” thanh khoản như tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động ở mức 85%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm từ 40% xuống 37% và tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới theo lộ trình của NHNN. Vì thế, xu hướng NIM của toàn ngành sẽ tiếp tục giảm trong khoảng 2 quý tới”, bà Hiền nói.
Bên cạnh đó, xu hướng NIM sẽ giảm trong tương lai khi các ngân hàng thương mại dần dịch chuyển mô hình kinh doanh từ cho vay truyền thống sang dịch vụ tài chính, bởi lúc đó thu nhập ngoài lãi từ phí, dịch vụ… sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng thu nhập của ngân hàng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng khi các ngân hàng thương mại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Basel III thì việc nâng cao các tiêu chí về “bộ đệm” vốn như tỷ lệ an toàn vốn, dự trữ bắt buộc… cũng sẽ tạo áp lực lên NIM.
Đồng tình, các chuyên gia đến từ công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo tỷ lệ NIM của các ngân hàng sẽ đi ngang trong năm 2022. Nhóm chuyên gia không cho rằng NHNN sẽ giảm mạnh lãi suất như đã từng làm trong thời gian vừa qua, trong khi đó, lãi suất cho vay có thể sẽ duy trì ở mức tương tự như thời điểm hiện tại hoặc chỉ cao hơn nhẹ để hỗ trợ cho những người đi vay ít nhất là đến nửa đầu năm 2022, do đó, tỷ lệ NIM sẽ đi ngang trong tương lai.
Nhiều ngân hàng đã và đang đầu tư vào công nghệ số hóa để thu hút thêm nhiều khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để bù đắp cho sự suy giảm của lãi suất cho vay. Tuy nhiên, quá trình này, theo Yuanta, sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thành.
Huyền Anh