Theo đánh giá của các chuyên gia công ty Chứng khoán VnDirect, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất điều hành 4 lần trong 4 tháng gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đều thực hiện các chính sách mạnh tay cắt giảm cho vay, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, với mức giảm từ 0,5-1 điểm % lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và vay mới; hoặc giảm từ 1 điểm % trở lên với các khoản vay phục vụ tiêu dùng…
Lãi cho vay giảm mạnh
Khảo sát nhanh của VnBusiness, từ đầu tháng 7 hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu và triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, như Agribank, Vietcombank, BIDV, MSB, LPBank…
Điển hình, ngày 1/7, Agribank cho biết, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lần thứ 6. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn 8%/năm.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng từ đầu năm là 11%, nên mức tăng 4,2% hiện nay là rất thấp, còn nhiều dư địa để các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn. |
Vietcombank cũng vừa triển khai gói vay cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ có nhu cầu vay mua, xây sửa nhà, đất ở, vay sản xuất kinh doanh, vay mua ô tô, vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm… với mức lãi suất cho vay cố định từ 9,5%/năm tại các kỳ hạn trung và dài hạn. Từ quý II/2023, Vietcombank đưa ra gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng…
HDBank thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với tổng số tiền giảm lãi suất dự kiến lên tới 350 tỷ đồng, tương ứng số dư nợ được giảm là 64.000 tỷ đồng cho đợt giảm lãi suất này.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết: “Thực hiện định hướng của Chính phủ và NHNN, trên cơ sở cân đối cơ cấu nguồn thuận lợi và bình ổn chi phí đầu vào, tiết giảm các chi phí hoạt động, HDBank nhanh chóng triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay mở rộng, đồng hành cùng khách hàng và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh”.
Xu hướng lãi suất cho vay giảm được các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán SSI nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào việc lãi suất cho vay trở nên hấp dẫn hơn cũng như là các doanh nghiệp sẽ có đơn hàng trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank: Lãi suất điều hành đã giảm 4 lần, nhưng có một phần lãi suất rất quan trọng, đó là trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng mới giảm ba lần, như vậy lãi suất huy động đã giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Nguồn vốn huy động ở mức lãi suất cao trong giai đoạn 3 - 4 tháng trước vẫn còn ảnh hưởng đến chi phí vốn của ngân hàng. Chính vì vậy, sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng nữa để có thể nhìn thấy tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành, tác động đến lãi suất cho vay.
Theo tính toán của ông Thành: Để lãi suất cho vay trở lại mức bình thường và gọi là khỏe mạnh cho nền kinh tế, thì lãi suất cho vay phải giảm khoảng 1,5% so với mức hiện tại. Dựa trên phân tích như vậy, ông Thành cho rằng lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm thêm ít nhất là 0,5% nữa, có thể là trong vòng ba tháng tới.
Ngân hàng Nhà nước thúc giục giảm lãi vay
Mục tiêu NHNN đặt ra cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là từ 14-15%, nhưng đến ngày 27/6 mới tăng 4,2%, tương đương 12,423 triệu tỷ đồng tín dụng cho vay bất chấp lãi suất huy động và cho vay giảm nhanh.
Nhưng hạn mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng từ đầu năm là 11%, nên mức tăng 4,2% hiện nay là rất thấp, còn nhiều dư địa để các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức vào chiều tối 4/7/2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, cần giải pháp đồng bộ về hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế, bởi hiện ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu tập trung tăng cường hơn nữa về tín dụng. NHNN sẽ tạo điều kiện để giảm tiếp lãi suất, các ngân hàng cũng cần cắt giảm chi phí không cần thiết, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng…
Lãi suất cho vay giảm nhanh cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại tiềm ẩn rủi ro khi nguồn vốn giá rẻ có thể chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn, tạo nên rủi ro bong bóng tín dụng cho nền kinh tế.
Trước tình hình đó, NHNN vừa ban hành Thông tư 06 sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 3 nội dung chính: bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay, đốc thúc các NHTM tăng cường giám sát với các khoản vay phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán, mua hoặc kinh doanh BĐS và tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử.
Theo VnDirect, Thông tư 06 sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay của các TCTD, hướng dòng vốn đến dự án an toàn, hiệu quả. Đồng thời, với việc quy định cho vay thắt chặt thêm, Thông tư sẽ có thể làm chậm lại tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, tuy nhiên dài hạn sẽ đảm bảo an toàn hơn cho toàn bộ nền kinh tế.
Huyền Anh