Theo dữ liệu từ Wigroup, tỷ lệ CASA của nhóm ngân hàng đã giảm từ 20,34% cuối năm 2022 về 17,56% vào cuối quý I và phục hồi lên 18,09% ở cuối quý II/2023. Trong 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính, có 21 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA chạm đáy vào quý I, sau đó tăng trở lại vào thời điểm cuối quý II.
Lãi suất giảm, tỷ lệ CASA cải thiện chậm
Sau khi lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt kể từ cuối quý I/2023 và tiếp tục giảm mạnh đến nay, nguồn tiền có dấu hiệu chuyển hướng sang thị trường chứng khoán nên nhà đầu tư có nhu cầu để tiền trong tài khoản thanh toán nhằm dễ dàng chủ động, thay vì gửi tiền có kỳ hạn. Do đó, nguồn CASA tại phần lớn ngân hàng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý II/2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chưa đủ bù đắp diễn biến tiêu cực trong quý I, nên tỷ lệ CASA ở hầu hết tại các ngân hàng vào ngày 30/6/2023 đều thấp hơn so với hồi đầu năm.
Dòng vốn rẻ của các ngân hàng có tín hiệu tăng trở lại trong quý II. |
Khảo sát của VnBusiness cho thấy, thứ hạng về tỷ lệ CASA của 10 nhà băng hàng đầu không thay đổi. Cụ thể, MB vẫn giữ vị trí quán quân với tỷ lệ CASA đạt 37,01%, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 3,6 điểm % so với hồi đầu năm.
Trong khi đó, Techcombank đã thu hẹp khoảng cách với MB, với tỷ lệ CASA đạt gần 35%. Mặc dù tỷ lệ này còn cách xa mức kỷ lục 50% mà Techcombank từng đạt được, nhưng đã có sự phục hồi đáng kể trong quý II vừa qua, và là một trong những ngân hàng có sự cải thiện mạnh mẽ nhất. So với cuối quý I, tỷ lệ CASA của Techcombank đã tăng 2,9 điểm %, nhưng vẫn giảm 2% so với đầu năm.
Các vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Vietcombank với 29%; MSB đạt 24,2% vào cuối quý II/2023, giảm 5,9 điểm % so với hồi đầu năm, nhưng tăng 1,6% so với quý I; ACB với mức trên 20%, giảm 1,4% so với đầu năm, tăng 0,7% so với quý I; VietinBank là 18,7%, giảm 1,3% so với đầu năm, tăng 0,7% so với quý I; Sacombank đạt 17%, giảm 2,2% so với đầu năm, giảm 0,4% so với quý I; BIDV là 17%, giảm 1,9% so với đầu năm, nhưng tăng 0,8% so với quý I; TPBank đạt 16,4%, giảm 1,6% so với cuối năm ngoái nhưng tăng 2,3% so với quý I; PGBank đạt 15,7%, giảm 2,2%, giữ nguyên so với quý I.
Nếu xét về số dư tiền gửi CASA, tính đến cuối quý II/2023, Vietcombank giữ vị trí hàng đầu, với gần 384.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong giai đoạn nhiều biến động vừa qua, kể cả thời điểm căng thẳng thanh khoản cuối năm 2022, CASA của Vietcombank cũng không sụt giảm mạnh như các ngân hàng tư nhân.
Hai đại diện khác trong Big 4 là BIDV và VietinBank lần lượt chiếm vị trí số 2 và 3, với số dư khoảng 257.000 tỷ đồng và 244.000 tỷ đồng. MB - quán quân về tỷ lệ CASA, nhưng chỉ đứng vị trí thứ 4 về số dư tiền gửi với gần 174.000 tỷ đồng. Vị trí số 5 thuộc về đại diện cuối cùng trong nhóm Big 4 là Agribank với hơn 165.000 tỷ đồng.
Vốn rẻ sẽ tăng mạnh cuối năm nay
Với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ ở mức 0,1 – 0,2%/năm, khoản tiền gửi trong tài khoản thanh toán của khách hàng được coi là “món hời” cho các ngân hàng. Qua đó, các nhà băng có thể cân đối và luân chuyển dòng tiền này để cho vay với chi phí rẻ hơn tiền gửi có kỳ hạn. Nhà băng nào giữ được lượng CASA ổn định và vượt trội thì chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, giúp ngân hàng có lợi thế cạnh tranh với các "đối thủ". Vì vậy, thu hút tiền gửi không kỳ hạn đã, đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ CASA cao được coi như một thành công của ngân hàng.
Điểm chung của các ngân hàng nằm trong top 10 có tỷ lệ CASA cao là nhờ việc chuyển đổi số mạnh mẽ, miễn phí giao dịch chuyển khoản điện tử và đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân. Điển hình là ACB - một trong những nhà băng có tỷ lệ huy động bán lẻ cao nhất hiện nay, tức chủ yếu là tiền gửi của cá nhân chiếm đến 82%.
Hay như 3 “ông lớn” Vietcombank, VietinBank và BIDV không chỉ nhờ thương hiệu mạnh mà còn do các nhà băng này gần đây mạnh tay chi tiền cho công nghệ, chính thức miễn phí chuyển tiền từ năm 2022, từ đó có vị thế cạnh tranh tốt hơn.
Tương tự, TPBank và PGBank là hai ngân hàng có quy mô nhỏ so với các nhà băng còn lại, nhưng nhờ việc tiên phong chuyển đổi số đã thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn trong những năm qua, giúp tỷ lệ CASA lọt vào Top 10.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, xu hướng tăng CASA tại các ngân hàng còn kéo dài đến cuối năm nay nhờ kinh tế có dấu hiệu hồi phục, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại từ tháng 7 và tháng 8.
"Các doanh nghiệp có thêm rất nhiều đơn hàng sẽ để khoản tiền cố định trong tài khoản để tiện thanh toán, còn người dân cũng có nhu cầu mua sắm hơn", ông Hiếu nói.
Đồng thời, xu hướng lãi suất hạ nhiệt hiện nay có thể tiếp tục hỗ trợ cho tỷ lệ CASA những tháng cuối năm, và điều này cũng sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận của ngân hàng. Bởi, lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên giúp ngân hàng giảm được chi phí huy động vốn giá cao.
Các dự báo đưa ra từ Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam và các ngân hàng HSBC, UOB, Standard Chartered cho thấy, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giảm thêm 0,5%/năm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023, tạo thêm điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhằm kích cầu tín dụng khi dư nợ toàn ngành tính đến cuối tháng 7 mới chỉ tăng 4,56%.
Lãnh đạo Techcombank nhận định tỷ lệ CASA sẽ được hồi phục trong những quý tiếp theo khi lãi suất huy động bắt đầu giảm xuống, khiến người tiêu dùng không còn gửi tiết kiệm nhiều như trước mà chuyển sang gửi tiền không kỳ hạn. Nếu thuận lợi, CASA của Techcombank có thể trở lại mốc 40%. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc rất lớn vào các biến chuyển của thị trường.
Huyền Anh