Trong hai ngày 5 - 6/12, một số ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động. Điển hình LPBank điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng xuống còn 4,3%/năm, giảm từ 0,5 - 0,8%/năm so với trước đó. Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất cũng giảm từ 5,6%/năm xuống còn 5,3%/năm.
Cùng xu hướng, Techcombank giảm lãi suất thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp của Techcombank chỉ trong 1 tuần qua, sau bước giảm nhẹ lãi suất 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Techcombank vừa giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. |
Ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất tiền gửi tại Techcombank đang niêm yết từ 4,75 - 5%/năm tùy nhóm khách hàng; lãi suất tiền gửi kỳ hạn gửi 6 tháng từ 4,55 - 4,8%/năm.
Eximbank cũng giảm tiếp 0,1%/năm lãi suất huy động trực tuyến tại các kỳ hạn 6 và 12 tháng, lần lượt về mức 4,9 và 5,5%/năm.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng giảm sâu lãi suất huy động tại các kỳ hạn như Vietcombank, ABBank, MB, PVCombank, HDBank...
Trong báo cáo vừa công bố, VNDirect Research cho biết, về lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức 5,13%/năm, giảm 0,1 điểm % so với cuối tháng 10.
Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 4,6% - 5,7%/năm với mức bình quân khoảng 5,14%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với tháng trước.
Một số ngân hàng thương mại có mức bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất so với tháng trước bao gồm: Sacombank (-0,7 điểm %), ACB (-0,5 điểm %), SHB (-0,3 điểm %) và LPBank (-0,3 điểm %).
Theo các chuyên gia, do tăng trưởng tín dụng rất chậm nên các ngân hàng không gặp phải áp lực huy động vốn, dẫn đến việc liên tục hạ lãi suất huy động. Tính đến thời điểm hiện nay, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức hơn 5%/năm, giảm mạnh so với mức 8%/năm hồi đầu năm.
Theo thông tin mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, mới đạt hơn một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.
Bên cạnh đó, dù lãi suất huy động giảm sâu, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng khá tốt trong 9 tháng đầu năm.Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế trong 9 tháng của năm 2023 tiếp tục tăng 11% so với cùng kỳ và tăng 5,9% so với cuối năm 2022, đạt xấp xỉ 12,7 triệu tỷ đồng.
Lý giải về điều này, giới chuyên gia nhận định trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn, bất động sản rơi vào tình trạng "đóng băng", thị trường chứng khoán khó đạt được lợi nhuận như mong muốn, gửi tiết kiệm vẫn được nhà đầu tư lựa chọn như một nơi trú ẩn tiền an toàn.
Chị Minh Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm chị được nhiều nhân viên ngân hàng chào mời gửi tiết kiệm 8,5%/năm, cộng thêm nhiều quà tặng. Đến nay, khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sắp đến ngày hạn đáo hạn nhưng khi nhìn vào bảng lãi suất, chị không khỏi "sốc".
"Lãi suất giảm quá nhanh và bằng một nửa so với đầu năm tôi gửi. Năm nay khó khăn nên dù lãi suất thấp nhưng tôi vẫn quyết định gửi ngân hàng, tuy nhiên chọn kỳ hạn ngắn để có thể rút ra bất cứ lúc nào cho kênh đầu tư khác", chị Hà nói.
Thanh Hoa