Vietcombank vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới, theo đó, lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn đều được điều chỉnh giảm thêm 0,2 điểm %.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm từ 2,6%/năm xuống còn 2,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng cũng giảm từ 2,9%/năm xuống 2,7%/năm.
Lãi suất huy động tại Vietcombank tiếp tục giảm thêm 0,2%/năm, lãi suất cao nhất chỉ còn 4,8%/năm, chênh lệch đáng kể so với 3 ngân hàng quốc doanh còn lại. |
Tương tự, lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 3,7%/năm.
Đáng nói, ngay cả kỳ hạn dài cũng được ngân hàng này kéo giảm về mức thấp kỷ lục. Theo đó, khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn được hưởng lãi suất 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó.
Ngày 10/11 vừa qua, Vietcombank cũng là nhà băng thiết lập “đáy” lãi suất huy động khi điều chỉnh giảm từ 0,1 - 0,2 %/năm tại hầu hết các kỳ hạn.
Liên tục từ giữa tháng 9 tới nay, Vietcombank đã có tới 5 lần giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tối đa tại ngân hàng này đã giảm mạnh tới 2% từ mức 6,8%/năm (trước ngày 14/9) xuống chỉ còn 4,8%/năm.
Trong khi Vietcombank liên tục giảm lãi suất thì 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động tại quầy tối đa 5,3%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất của 3 ngân hàng này cũng cao hơn Vietcombank khoảng 0,5-0,6 điểm %.
Tuy nhiên, với tiền gửi trực tuyến thì mới đây, VietinBank và BIDV cũng đã điều chỉnh giảm nhẹ kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, từ 5,5%/năm xuống còn 5,3%/năm – bằng với tiền gửi tại quầy.
Không chỉ nhóm ngân hàng quốc doanh, mà hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng đang liên tục giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn tại ACB, mức lãi suất huy động tối đa mà ngân hàng này áp dụng là 4,9%/năm.
Hay tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng chỉ có lãi suất cao nhất là 5,4%/năm; Techcombank cao nhất cũng chỉ 5,2%.
Lãi suất huy động bị kéo xuống thấp chủ yếu do các ngân hàng không thể đẩy mạnh tín dụng, trong khi huy động vốn vẫn tăng trưởng, dẫn đến thanh khoản dư thừa.
Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14-15%).
Trong đó, ngoài một số ngân hàng tăng trưởng khá cao, thì một số lại tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
Tính đến cuối tháng 11, lãi suất huy động kỳ hạn 11 tháng đạt trung bình 4,99%/năm, giảm 14 điểm cơ bản so với tháng 10 và giảm 200 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động trung bình đạt 5,44%, giảm 18 điểm cơ bản so với tháng 10, và giảm 214 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có biểu lãi suất khá thấp so với cuối năm 2022, trong đó có những ngân hàng niêm yết biểu lãi suất thấp ngang nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Rõ ràng, các ngân hàng vẫn kiên trì chính sách giảm lãi suất huy động vốn để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cũng dự báo dư địa giảm thêm lãi suất thời gian tới sẽ không còn nhiều.
Thanh Hoa