Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lớn hiện đã giảm về mức 5%/năm, thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhiều người loay hoay tìm các kênh đầu tư khác trong thời điểm cuối năm khi lãi suất tiền gửi liên tục “phá đáy”.
Loay hoay tìm kênh đầu tư
Trong khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hiện Vietcombank có mức lãi suất huy động thấp nhất. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được áp dụng lãi suất 4,8%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 2,7%/năm.
Tại các ngân hàng còn lại trong nhóm là BIDV, VietinBank và Agribank, lãi suất huy động cao hơn, như kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/ năm, kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng là 4,3%/năm…
Tại các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3 - 5,7%/năm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm.
Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, nhiều người loay hoay tìm các kênh đầu tư khác. |
Trước việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm, người dân loay hoay không biết nên lựa chọn kênh đầu tư nào để vừa an toàn, vừa có thể sinh lời.
Bà Nguyễn Thị Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, bản thân thấy rất xót khi lãi suất liên tục hạ, số tiền lãi bà nhận được từ khoản tiền gửi tại Vietcombank hơn 1 tỷ đồng cứ giảm dần.
Bà chia sẻ, nhiều lúc muốn rút tiền ra để đầu tư vào vàng, mua USD vì đang tăng giá, nhưng sợ rủi ro lúc mua thì tăng, bán thì giảm nên lại thôi. Theo bà Hòa, không chỉ bản thân bà mà nhiều người trong độ tuổi của bà do không có nhiều kiến thức, thông tin biến động của thị trường nên rất ngại đầu tư vào những kênh rủi ro.
Trong khi đó, có không ít người trẻ lựa chọn vàng và USD làm kênh đầu tư khi lãi suất tiết kiệm ngân hàng đồng loạt giảm sâu. Chị Lê Thị Thuý (Hà Nội) cho biết, khi lãi suất ngân hàng giảm, chị đã dành một phần tiền tiết kiệm để tham gia "lướt sóng" trên thị trường vàng và USD. Tuy nhiên, vì không có kiến thức trong lĩnh vực này nên mỗi lần thực hiện giao dịch mua - bán rất lo lắng.
"Đầu tư kiểu lướt sóng khi chưa có kinh nghiệm nên mỗi lần bỏ tiền mua vàng hay USD là một lần tôi hồi hộp, lo sợ rủi ro. Chỉ cần một phiên giảm giá là tôi đã mất ăn mất ngủ và lập tức bán ngay. Vì vậy, lợi nhuận thu về cũng không đáng là bao", chị Thuý kể.
Ngoài vàng và chứng khoán, đầu tư vào bất động sản cũng là một kênh được nhiều người quan tâm. Đây được đánh giá là kênh đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ban đầu lớn nhưng sẽ có lợi nhuận cao.
Phân tích về các kênh đầu tư hiện nay, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng của sự biến động giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng còn có những yếu tố vĩ mô khác tác động như GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thị trường bất động sản...
Hiện tại, trong khi thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kênh đầu tư sinh lời tốt hơn. Do đó, vàng là một sự lựa chọn, bởi giá kim loại quý này đang tăng mạnh.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng vẫn tăng trong suốt 13 tháng qua. Tính đến cuối tháng 9/2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt hơn 6,44 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.
“Thị trường vàng có thể đang hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, người dân không nên lướt sóng. Đặc biệt là không nên vay tiền mua vàng, bởi thị trường vàng biến động rất khó lường. Mua vàng với ý định ngày mai bán ra có lời nhưng chưa chắc ngày mai vàng đã tiếp tục tăng”, ông Hiếu nói, đồng thời khuyến cáo người dân chỉ nên đầu tư ở mức độ đa dạng nguồn thu và tăng thêm mức độ quản trị rủi ro. Cá nhân chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên "bỏ tất cả trứng vào một giỏ".
Cẩn trọng với rủi ro
Với thị trường chứng khoán, theo các chuyên gia, chu kỳ điều chỉnh của thị trường vẫn chưa kết thúc sau thời gian dài tăng cao trước đó. Nếu nhà đầu tư đặt mục tiêu “lướt sóng” kiếm lời cuối năm thì sẽ khó hoàn thành được mục tiêu, bởi thị trường chứng khoán đang ở vùng giá có thể tích luỹ về trung hạn.
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối Tài chính Cá nhân, Công ty CP FIDT cho rằng: "Việc đầu tư vào thị trường ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn nhưng về mặt dài hạn, thị trường vẫn còn hấp dẫn".
Hơn nữa, dòng vốn từ các ngân hàng vẫn đang được định hướng và ưu tiên vào các ngành kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán hay bất động sản sẽ khó có dòng tiền tham gia nhiều như trước đây.
Với thị trường bất động sản, các kênh huy động vốn vẫn bị tắc... khiến thị trường rơi vào tình trạng mất thanh khoản nặng nề. Thời điểm hiện tại, giá nhà đất đã giảm so với thời điểm “sốt đất”. Câu hỏi “đã đến lúc tham lam đầu tư đợi đến ngày chốt lời hay chưa” đang làm khó những người có sẵn tiền mặt và chờ thời từ thị trường này.
Các chuyên gia cho rằng “đó là câu chuyện chỉ dành cho những người am hiểu thị trường và chấp nhận rủi ro”. Với chứng khoán, dù có tăng giá ở một số mã nhưng đòi hỏi người chơi phải am hiểu chứ không phải mua cổ phiếu nào cũng thắng.
Còn với bất động sản vẫn đang bị hạn chế dòng vốn như hiện nay thì khó có thể “lướt sóng”. Tuy nhiên về dài hạn, thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhờ hàng loạt giải pháp đang được Chính phủ và các bộ ngành triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tìm hiểu về thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, mức độ đầu tư còn phụ thuộc vào năng lực tài chính cá nhân. Nếu chỉ có dưới 1 tỷ đồng, cơ hội đầu tư vào bất động sản sẽ hạn chế.
Trên thực tế hiện nay, không ít người vẫn quyết định giữ quan điểm gửi tiền ngân hàng dù biết sẽ nhận lãi thấp hơn. Bởi họ có quan điểm rằng dù lãi suất thấp, gửi ngân hàng vẫn tạo sự yên tâm trong bối cảnh các kênh đầu tư đang rất bấp bênh.
Giới phân tích nhận định, thị trường trong năm sau có thể còn nhiều rủi ro khi diễn biến kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố bất định, khả năng suy thoái ở các nền kinh tế lớn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ hay căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Trong nước, các vấn đề về đáo hạn nợ trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, lạm phát hay áp lực tỷ giá sẽ là những yếu tố cần theo dõi chặt chẽ.
Vì vậy, nhiều khách hàng chọn kênh tiết kiệm do tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi cho thấy tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng. Điều này nói lên rằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn tương đối tốt với mức 5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác nói chung hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Huyền Anh