Theo các chuyên gia, nếu để tình trạng trái phiếu Chính phủ (TPCP) ế kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến cả nhà phát hành lẫn thị trường, nhà đầu tư trong thời gian tới.
Kể từ tháng 4 đến nay, hầu hết các phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành liên tục rơi vào cảnh ế ẩm. Đáng lo ngại, tình trạng này chưa có tín hiệu được cải thiện, thậm chí mức độ ế gia tăng.
Nhà đầu tư không mặn mà
Sau khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm ở thị trường sơ cấp tạo "đáy" ở mức 2,93%/ năm trong quý I, bước sang quý II, lãi suất TPCP ở nhiều kỳ hạn bật tăng và tăng theo từng tháng.
Điển hình, trong tháng 7, lãi suất trúng thầu của TPCP tăng trên tất cả các kỳ hạn: 5 năm (tăng 0,35%/ năm), 10 năm (tăng 0,13%/năm), 15 năm (tăng 0,08%/năm), 20 năm (tăng 0,02%/năm) so với tháng 6.
Tính đến cuối tháng 7, lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm nằm trong khoảng 3,45-4,10%/năm, 7 năm trong khoảng 3,85- 3,90%/năm, 10 năm trong khoảng 4,40- 4,48%/năm, 15 năm trong khoảng 4,70- 4,78%/năm, 20 năm là 5,22%/năm, 30 năm là 5,42%/năm.
Sang tháng 8, sau hai phiên gọi thầu, lãi suất kỳ hạn 10 năm cũng được điều chỉnh tăng theo từng phiên.
Cụ thể, trong đợt gọi thầu từ ngày 1 – 3/8 lãi suất là 4,5%/năm – tăng 0,02% so với cuối tháng 7. Trong phiên gọi thầu từ ngày 6 – 10/8, lãi suất tiếp tục tăng 0,03% so trước đó, ở mức 4,53%/năm.
Một nghịch lý đang xảy ra ở thị trường sơ cấp TPCP đó là lãi suất tăng nhưng vẫn chưa tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thậm chí, có những kỳ hạn, số lượng nhà thầu tham gia tăng nhưng tỷ lệ trúng thầu vẫn là 0%.
Điển hình, trong tuần từ 23-27/7, KBNN tổ chức gọi thầu cho kỳ hạn 20 năm, lượng đặt thầu gấp 1,86 lần giá trị gọi thầu, nhưng tỷ lệ trúng thầu là 0%. Hay ở kỳ hạn 30 năm, lượng đặt thầu gấp 0,5 lần giá trị gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu cũng là 0%.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 7, KBNN huy động được 15.420 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 350 tỷ đồng. Tính chung tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu tháng 7 đạt 42,3%.
Lượng trái phiếu ế ẩm tăng khiến cho KBNN mới hoàn thành hơn 20,5% kế hoạch phát hành TPCP của quý III/2018. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, KBNN chỉ huy động được 105.001 tỷ đồng, tương đương 38,05% kế hoạch năm.
Theo các chuyên gia, tình trạng TPCP ế kéo dài trong thời gian qua bất chấp lãi suất đã tăng mạnh là do một số nguyên nhân như: lãi suất TPCP mặc dù tăng nhưng vẫn chưa đạt tới kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường; đang có sự chênh lệch lớn về lợi suất trên thị trường thứ cấp và sơ cấp; các ngân hàng chính là nhà đầu tư chủ yếu của thị trường TPCP bước vào mùa cao điểm giải ngân vốn cho nền kinh tế nên không còn mặn mà với TPCP.
Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu trong tháng 7 chỉ đạt 42,3% |
Chậm do đâu?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Sài Gòn, nhận định xu hướng tăng lãi suất đã nhìn thấy rõ, tuy nhiên mức tăng chưa lớn, mới tăng khoảng 50 điểm cơ bản so với mức đáy vào cuối tháng 3. Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm, do đó, khả năng lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Kể cả khi lãi suất tiếp tục tăng trong thời gian tới thì do chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản khiến KBNN dư thừa vốn, nên đưa ra mức lợi suất thấp, không theo tín hiệu của thị trường.
Điều này giải thích tại sao mặt bằng lợi suất trúng thầu trên thị trường sơ cấp đang có chênh lệch khá lớn với lợi suất giao dịch trên thị trường thứ cấp.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt cho biết lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 1 năm, 7 năm và 10 năm trên thị trường thứ cấp thời gian qua có xu hướng tăng.
Cụ thể, tính đến ngày 10/8, lợi suất các kỳ hạn 1 năm, 7 năm và 10 năm tăng với biên độ 0,025% – 0,038%, lần lượt đạt mức 4,075%; 4,575% và 5,038%/năm.
"Đây cũng là nguyên nhân khiến TPCP trên thị trường sơ cấp kém hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, việc giảm chênh lệch lợi suất TPCP giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp sẽ giúp tăng sức cầu trên thị trường, qua đó cải thiện mức độ thành công cho các đợt phát hành TPCP trong thời gian tới, tránh rơi vào tình trạng ế ẩm như hiện nay", một chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng TPCP lâu nay bán ra chủ yếu cho các ngân hàng thương mại, từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao, yếu tố cầu và thanh khoản hệ thống ngân hàng mặc dù vẫn tốt song không còn dồi dào như giai đoạn đầu năm 2018 khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng, giảm cầu trên thị trường TPCP.
Huyền Anh