Tín dụng tăng trưởng ì ạch, thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn, các ngân hàng đưa lãi suất xuống mức thấp ngang bằng với thời điểm dịch Covid-19; đồng thời lãi suất trên thị trường liên ngân hàng gần đây liên tục về sát mức 0%.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống 0,14/năm, 1 tuần quanh 0,33%/năm, 2 tuần 0,49%/năm, 1 tháng 1,1%/năm, 3 tháng 3,07%/năm, 6 tháng 4,94%/năm… Riêng lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng dao động từ 5 - 5,74%/năm ở các kỳ hạn. Lãi suất tiền đồng liên tục giảm, trong khi USD lại tăng lên càng làm cho mức chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD ngày càng tăng cao. Điều này gây sức ép lên tỷ giá, đó là nguyên nhân khiến NHNN phải hút tiền về qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa.
Tuy nhiên, ngay sau động thái hút tiền về của NHNN, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ. Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 85 - 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 0,15% trong phiên 28/9 từ mức 0,14% ghi nhận vào phiên 21/9. Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng tăng như: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 0,33% lên 0,35%; kỳ hạn 2 tuần hiện ở mức 0,55%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 1,03% lên 1,14%.
Một câu hỏi đặt ra là việc hút tiền về của NHNN có ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng hay không? Về việc này, một chuyên gia cho rằng lượng tiền hút về tính đến thời điểm hiện nay chưa đến 1 tỷ USD trong bối cảnh các ngân hàng dư thừa thanh khoản nên sẽ không tác động đến mặt bằng lãi suất tiền đồng. Hơn nữa qua 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành đi xuống, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường hiện nay vẫn còn đang thực dương. Lãi suất cho vay giảm chậm nhưng cũng đã đi xuống nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn không nhanh lên được.
Bên cạnh đó, "tay trái" hút tiền về, "tay phải" lại đẩy tín dụng, đưa nguồn vốn ra thị trường. NHNN sử dụng thị trường mở sau nhiều tháng không có giao dịch nào cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách.
Từ đầu năm đến nay, huy động vốn của Vietcombank cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng |
Trên toàn hệ thống, theo số liệu của NHNN, tính tới giữa tháng 9/2023, tín dụng mới tăng 5,56%, bằng một nửa tốc độ tăng tín dụng cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo NHNN cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng thấp xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm; sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; cầu tín dụng bất động sản của cá nhân giảm mạnh…
Ngân hàng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ?
Có thể thấy, động thái phát hành tín phiếu để hút tiền về được NHNN sử dụng trong 6 ngày liên tiếp gần đây. Theo đó, nhà điều hành đã hút về tổng cộng 90.000 tỷ đồng từ các nhà băng. Khối lượng phát hành ban đầu ở mức 10.000 tỷ đồng cho ba phiên đầu tiên, sau đó tăng lên 20.000 tỷ đồng trong ba phiên gần nhất. Liệu đây có phải động thái đảo chiều, thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN?
Lo ngại khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt cũng khá dễ hiểu. Bởi so sánh với thời điểm tháng 6 năm ngoái, thanh khoản tại các ngân hàng dồi dào, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng phát hành lên đến gần 660.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, bối cảnh hiện tại đã có nhiều sự khác biệt dù thanh khoản tại các ngân hàng tại hai thời điểm đều dồi dào. Song nguyên nhân của vấn đề này trong năm nay lại khác nhiều so với năm trước.
Cụ thể, trong năm 2022, nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng chạm mức trần hạn mức từ giữa năm thì năm 2023 vấn đề tín dụng tăng chậm là do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng tín dụng tại ngày 15/9 chỉ ở mức 5,5% so với đầu năm.
Trong báo cáo mới phát hành, Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, đây là hoạt động thường thấy nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống. "Động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương, không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ", nhóm phân tích nhận xét.
Trên thực tế, việc phát hành tín phiếu còn có thể được coi là tích cực, thay vì Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương án bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối. Thông qua nghiệp vụ này, cơ quan quản lý có thể có những đánh giá mức độ dồi dào của thanh khoản, điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường 2 - thị trường liên ngân hàng - để cân đối giữa áp lực tỷ giá.
Lý giải nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá. Mặc dù vậy, ông Hà cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
“Mấy ngày gần đây, NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay, lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá”, Phó Thống đốc nhận định.
Nhìn nhận về động thái hút ròng qua kênh tín phiếu, Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của NHNN là một biện pháp giảm áp lực tỷ giá, đưa về mức mục tiêu (xấp xỉ 3% cho năm nay). Trong tháng 8-9, tỷ giá đã tăng nhanh và có dấu hiệu vượt khỏi ngưỡng mục tiêu (trên 3%).
Huyền Anh