Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: "Chúng ta đang có hạ tầng, chính sách tốt, nhưng nếu có “phần mềm” lỗi, chạy chậm thì tác động của chính sách sẽ giảm. Vì vậy, khi thiết kế phần mềm tốt các cơ quan cần tham vấn rộng rãi, đặt người thụ hưởng vào trung tâm. Việc tổ chức thực hiện cần có sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, Hiệp hội doanh nghiệp chứ không chỉ mỗi nhà nước".
Doanh nghiệp chờ chính sách
Ông Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc công ty du lịch Omega Tour cho biết, doanh nghiệp hoạt động được 13 năm nhưng 2 năm qua chống chọi với dịch Covid-19, đến nay doanh nghiệp đã kiệt quệ. “Thời gian qua để có tiền trả nợ ngân hàng, doanh nghiệp thanh lý tài sản. Do đó, muốn chuyển sang một lĩnh vực mới cũng cần có nguồn vốn, nhưng chúng tôi rất khó vay vì các ngân hàng đều biết doanh nghiệp mất khả năng trả nợ trong hiện tại”, ông Ngọc Anh bộc bạch và hy vọng vào gói cấp bù lãi suất khi triển khai Omega Tour sẽ là nhóm đối tượng được ưu tiên vay vốn.
Doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý sớm đưa ra tiêu chí rõ ràng, minh bạch về đối tượng được hưởng gói cấp bù lãi suất và phương thức tính giảm lãi của ngân hàng. |
Ông Nguyễn Anh Tú, giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, kỳ vọng các cơ quan quản lý sớm đưa ra tiêu chí rõ ràng, minh bạch về đối tượng được hưởng lãi suất và phương thức tính giảm lãi của ngân hàng. “Nếu không có những tiêu chí cụ thể gói cấp bù lãi suất có thể bị trục lợi hoặc không thực chất”, ông Tú lo ngại.
Theo tìm hiểu, dự thảo Nghị định quy định các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19 như: hàng không, du lịch, lữ hành, sản xuất, nông sản, giáo dục… Tuy nhiên, để tiếp cận được tín dụng, các doanh nghiệp phải chứng minh được khả năng phục hồi.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, gói cấp bù lãi suất chỉ 40.000 tỷ đồng, cho nên vẫn bị giới hạn cho một số ngành và trong khoảng thời gian nhất định chứ không thể dàn trải cho tất cả các đối tượng. Vì vậy trong dự thảo Chính phủ cũng nhấn mạnh khi nào hết gói 40.000 tỷ đồng hoặc hết ngày 31/12/2023, tuỳ điều kiện nào đến trước thì sẽ thực hiện chất dứt không hỗ trợ lãi suất nữa.
Theo dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến các bộ ngành, mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ đồng được tung ra, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng/năm cho vay với lãi suất giảm là 2%/năm. Dự kiến chính thức triển khai từ quý II/2022.
Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch CLB nông nghiệp công nghệ cao, Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam, băn khoăn: "Hiện nay các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất cho vay, vì vậy, khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất thấp 2% so với lãi suất thông thường cũng không còn nhiều ý nghĩa".
Giảm thể chế để dễ dàng tiếp cận vốn
Tại một cuộc tọa đàm về phục hồi kinh tế được tổ chức cuối tuần qua, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tạo đà phục hồi kinh tế cần sớm khởi động. “Xây dựng chính sách phải tăng được hiệu lực, hiệu quả cho kết quả cuối cùng khi thực thi chính sách như vào cuộc quyết liệt của bộ ngành,... tôi nhấn mạnh thêm tốc độ làm chính sách. Quy trình xây dựng chính sách trong bối cảnh hiện nay cần quy trình bất thường trước bối cảnh bất thường”, ông nói.
Chuyên gia này phân tích thêm, các bộ ngành từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… đã xây dựng khung khổ pháp lý, thế nhưng có lẽ quy trình vẫn theo cách truyền thống. Vì vậy cần phải đẩy nhanh tốc độ hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa, theo chuyên gia này là chính sách thiết kế phải đơn giản, rõ ràng. Lý do là trong nhiều chính sách nguồn lực của chúng ta lại hạn chế vì vậy không thể “cho” tất cả được. Đã không “cho” tất cả thì làm sao bớt méo mó, làm sao rõ ràng để thực thi, đỡ bị lạm dụng...
“Nghị định đang được NHNN xây dựng cũng đã rõ ràng rồi, nhưng nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn băn khoăn quy trình chuyển đổi 2% như thế nào. Hai là trách nhiệm chính của Bộ tài chính, ngân hàng hay trực tiếp doanh nghiệp và sau đó hạch toán như thế nào?”, ông Thành cho hay.
Về gói hỗ trợ giảm lãi suất 2%, đại diện Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng chính sách này rất tốt, nhưng các doanh nghiệp mong muốn giảm thể chế để dễ dàng tiếp cận.
“Ví dụ chúng ta có thể nhắn tin phòng chống dịch đến từng người dân, thì triển khai chính sách này cũng có thể áp dụng nhắn đường link hướng dẫn đến từng doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu gợi ý.
Ngược lại, chuyên gia này cũng cho rằng, trong quá trình doanh nghiệp vay vốn nếu vẫn tiếp tục kinh doanh theo mô hình cũ mà không thay đổi có thể không thành công. Nhưng nếu doanh nghiệp biết tận dụng nguồn lực đó, cộng với thay đổi, đổi mới mô hình, ứng dụng công nghệ số hoá, làm gia tăng hiệu quả, chuyển đổi mô hình thích ứng hơn… rõ ràng nguồn lực hỗ trợ sẽ tăng thêm rất nhiều, trở thành cơ hội cho chính bản thân doanh nghiệp.
Huyền Anh