Theo các chuyên gia, tình hình thiếu vốn hiện tại của các ngân hàng quốc doanh là yếu tố then chốt khiến lãi suất huy động tăng mạnh trong thời gian này.
Thông thường trong các đợt tăng lãi suất, các ngân hàng lớn sẽ có phản ứng chậm hơn các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, lần này lại có động thái ngược lại, lãi suất ở 4 "ông lớn" trong khối ngân hàng nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) còn cao hơn các ngân hàng tư nhân.
Lãi suất tăng vọt
Điển hình, Agribank điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, mức tăng bất ngờ khoảng 0,2 – 0,3%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này tăng từ mức 4,3% lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2% lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6% lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm. Ở kỳ hạn dài, lãi suất hiện là 6,6% – 6,9%/năm và mức cao nhất đang là 7%/năm.
Trong khi đó, tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng cũng đã tăng 0,1% lên 4,4%/năm. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng 0,2% lên 4,8%/năm và 5,5%/năm.
Hiện tại, BIDV niêm yết biểu lãi suất huy động tăng 0,1-0,2%/năm so với đợt cuối tháng 9. Ở kỳ hạn 1 và 2 tháng là 4,5%/năm, kỳ hạn 3 và 5 tháng là 5%.
Tương tự, Vietinbank niêm yết kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng là 4,5%/năm; kỳ hạn 4, 5 và 6 tháng là 5%/năm; từ 7 tháng đến 11 tháng là 5,5%/năm.
Điều gây bất ngờ cho thị trường là việc điều chỉnh mạnh lãi suất của các ngân hàng quốc doanh đã vượt một số ngân hàng cổ phần.
Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank ở mức từ 4,4%-4,5%/năm, cao hơn LienVietPostBank (4,3%/năm). Tương tự, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của 4 "ông lớn" là 5,5%/ năm, cao hơn 0,2% so với LienVietPostBank.
Ở kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng, lãi suất huy động của 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước cạnh tranh gay gắt nhất với những ngân hàng khác.
Lãi suất của BIDV ở kỳ hạn 1 năm là 6,9%/năm, bằng Sacombank và cao hơn 4 ngân hàng ACB, Eximbank, Techcombank và LienVietPostBank. Lãi suất của Vietcombank, Agribank, VietinBank cũng rất cạnh tranh ở mức 6,8%/năm.
Theo các chuyên gia, đây là mức tăng đầy bất ngờ, bởi trong các đợt tăng lãi suất trước đây, các ngân hàng quốc doanh thường chỉ điều chỉnh khoảng 0,1%/năm và thời hạn tăng thường kéo dài. Tuy nhiên, trong vòng gần 2 tháng vừa qua, có ngân hàng tăng lãi suất đến ba lần.
Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh tăng ở các ngân hàng quốc doanh |
Tác động đến lãi vay?
Nhận định về cuộc đua tăng lãi suất huy động đang "bùng" lên giữa các ngân hàng thương mại, công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trở lại cùng với động thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy thanh khoản toàn hệ thống tuần vừa qua ở trạng thái eo hẹp hơn so với tuần trước.
Theo một báo cáo mới đây, BVSC cho biết, chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN đã bơm ròng hơn 16.584 tỷ đồng vào thị trường. Nhờ vậy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 5/10, tính trung bình có xu hướng giảm đối với loại kỳ hạn qua đêm, cụ thể lãi suất trung bình kỳ hạn này giảm 0,1% về mức 2,84%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần có diễn biến tăng 0,2% đạt mức 3,1%/năm. Còn lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần đứng im ở mức 3,31% không đổi so với tuần trước.
Theo các chuyên gia, hiện nay, thanh khoản trên thị trường không phải quá căng thẳng để các ngân hàng phải ồ ạt huy động lãi suất. Do đó, nguyên nhân xuất phát từ những tác động bên ngoài như: lạm phát bị áp lực lớn trong thời điểm cuối năm 2018 và đặc biệt là năm 2019, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng.
Ngoài ra, theo Ts. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngành ngân hàng: "Để kiềm chế đà tăng của tỷ giá, NHNN sẽ phải bán dự trữ ngoại hối – vốn không phải là nguồn vô hạn. Do đó, một trong các cách thức có thể được sử dụng là đẩy lãi suất lên để nâng giá trị đồng tiền và qua đó hạn chế áp lực lên tỷ giá".
Giới phân tích dự báo, với việc điều chỉnh tăng mạnh và nhiều đợt của các "ông lớn" sẽ dẫn dắt thị trường khiến ngân hàng thương mại nhỏ tính toán đến các phương án để tăng lãi suất trong thời gian tới. "Tới đây, xu hướng lãi suất tiếp tục đi lên là điều khá rõ ràng", một chuyên gia đánh giá.
Áp lực lãi suất huy động tăng cao chắc chắc sẽ tác động lên lãi suất huy động. Nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh tăng, trong bối cảnh những tháng cuối năm nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng đột biến. Điều này sẽ có tác động xấu đến sức cạnh tranh, cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các ngân hàng cũng sẽ thận trọng hơn trong việc điều chỉnh tăng lại suất cho vay.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ đang được điều hành thắt chặt và thận trọng hơn của NHNN sẽ giúp lãi suất huy động không tăng trong những tháng cuối năm.
Huyền Anh