![]() |
Khách hàng gửi tiết kiệm tại SeABank. |
Theo thống kê mức lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại ngày 6/1/2021, lãi suất tiếp tục được các ngân hàng duy trì ở mức thấp.
Kỳ hạn 1 tháng, lãi suất cao nhất là 3,5%/năm thuộc về ngân SCB, SeABank, Vietcapital, GPBank. Kỳ hạn này, lãi suất thấp nhất thuộc về Vietcombank áp dụng 3%/năm, tiếp đến là BIDV, Vietinbank, Agribank là 3,1%.
Ở kỳ hạn 3 tháng, SeABank đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng với mức lãi suất là 3,7%/năm. Trong khi đó, lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này thuộc về Techcombank có mức lãi suất tiết kiệm là 2,85%; Vietcombank là 3,3%/năm; BIDV, Vietinbank và Agribank cùng huy động ở mức 3,4%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, NCB chi trả mức lãi suất cao nhất 6,65%; Sacombank với mức huy động là 6,3%/năm. Còn các ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) niêm yết mức thấp nhất trên thị trường là 4%/năm, tiếp theo là Techcombank là 4,2%/năm.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động KienLongBank dẫn đầu với lãi suất 7,10%/năm, theo sau là NamABank ở mức 7,0%/năm, SCB 6,95%/năm. Trong khi đó 4 ngân hàng có vốn nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,6%/năm.
Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ghi nhận nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ đang huy động lãi suất ở mức cao nhất trên thị trường. Chẳng hạn, Exinbank dẫn đầu với mức lãi 8,40%/năm cho kỳ hạn 13, 24 tháng, với số tiền gửi từ 500 tỷ trở lên; OCB là 8,20%/năm. Còn ACB áp dụng mức lãi suất 7,4%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 13 tháng với giá trị là 30 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, một số ngân hàng cùng huy động ở mức 7,3% trong tháng 1/2021, bao gồm: NCB, SCB, VietCapital Bank.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình cho cả năm 2021 sẽ ngang bằng mức của năm 2020 (3 - 3,5%).
Với diễn biến của lạm phát như trên, BVSC cho rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn được Ngân hàng Nhà nước duy trì trạng thái nới lỏng mà chưa chịu sức ép thắt chặt. Do đó, mặt bằng lãi suất dài hạn trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ ổn định ở mức thấp, tương đương mặt bằng cuối năm 2020.
Vì vậy, với câu hỏi: nên gửi tiết kiệm ở ngân hàng nào? các chuyên gia cho rằng, nhìn chung, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1% đến 2%.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cổ phần có nhiều ưu đãi hấp dẫn, phục vụ chuyên nghiệp, lãi suất huy động cũng cao hơn các ngân hàng ở nhóm ngân hàng nhà nước.
Về độ an toàn khi gửi tiền ở ngân hàng nào khách hàng không cần lo lắng quá nhiều vì đều chịu sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, nếu khách hàng có một số tiền lớn thì nên gửi theo sản phẩm tiết kiệm bậc thang để có lãi suất cao. Còn số tiền nhỏ đều hàng tháng thì nên chọn tiết kiệm tích lũy.
Ngoài ra, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại khuyến cáo, các khoản tiết kiệm có kỳ hạn thì nếu rút tiền trước khi tới hạn sẽ không có được lãi như mong muốn. Do đó, nếu không biết mình có cần gấp tới số tiền đã gửi hay không thì tốt nhất là hãy gửi tiết kiệm thường để linh hoạt trong việc sử dụng mà vẫn có thể hưởng lãi.
Huyền Anh