Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong cuộc họp gần đây chia sẻ rằng, các ngân hàng gặp khó khăn, trong khi Fed vẫn phát ra thông điệp cứng rắn để kiểm soát lạm phát. "Còn tại Việt Nam, NHNN muốn truyền thông điệp giảm lãi suất", ông Tú nói.
Mặt bằng lãi suất có thể giảm 0,34 điểm % trong năm nay
Hiện tại, nhiều nền kinh tế đều cảnh báo lạm phát tiếp tục tăng và có xu hướng thắt chặt tiền tệ. Nhưng tại Việt Nam Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đi ngược với diễn biến thị trường quốc tế khi “hạ nhiệt” lãi suất điều hành nhờ 2 yếu tố đó là: Dự báo áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ tiếp tục dịu dần trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn “ảm đạm”. Thứ hai là cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến có xu hướng đi ngang trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm.
Các chuyên gia dự báo NHNN có thể giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành trong quý II/2023. |
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặc dù NHNN thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. Theo đó, nhà điều hành có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc hướng đến việc kiểm soát lạm phát.
Theo dự báo của UOB Việt Nam, NHNN có thể giảm tổng cộng 1%/năm lãi suất tái cấp vốn trong quý II/2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 0,5%/năm trước thời điểm cuối tháng 6 để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trong nước.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại dự báo lãi suất huy động vốn trong quý II/2023 có thể giảm 0,2 - 0,5%/năm, qua đó lãi suất cho vay có thể giảm theo.
Mới đây, Vụ Dự báo- Thống kê của NHNN vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý 2/2023. Theo kỳ vọng của các TCTD, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1 điểm phần trăm trong quý 2/2023 và giảm nhẹ 0,19 – 0,34 điểm phần trăm trong cả năm 2023.
Thực tế, ngay từ giữa tháng 3 đến nay, nhiều ngân hàng đã tung gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Điển hình, OCB giảm lãi suất giảm đến 2% hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh theo định hướng của NHNN.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Gia Phát cho biết: Trong khó khăn chung của nền kinh tế việc giảm lãi suất cho vay là yếu tố tác động đến sức mạnh của doanh nghiệp rất nhiều, nên chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ của ngân hàng để giảm lãi suất cho doanh nghiệp, qua đó giảm thiểu chi phí để doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Theo NHNN, thời gian qua có khoảng hơn 20 ngân hàng giảm lãi suất cho vay, bình quân mức giảm khoảng 0,4%/năm. Mức lãi suất vay thấp được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu vay vốn nhiều hơn trong thời gian tới.
Thời kỳ tiền rẻ khó quay lại
Cùng với việc giảm lãi suất điều hành để giảm chi phí đầu vào trong đợt điều chỉnh, mới đây NHNN cũng giảm 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn. Điều này được các chuyên gia nhận định có tác động trực tiếp, tạo hiệu ứng lan toả nhanh hơn trong thời gian tới.
Ông Quản Trọng Thành, giám đốc phân tích công ty chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng, lãi suất cho vay có thể giảm ít nhất 0,5%/năm nữa, dựa trên sự lan toả giữa lãi suất ngắn hạn qua lãi suất dài hạn. Đặc biệt, nếu các ngân hàng chấp nhận tiết giảm chi phí và giảm biên lợi nhuận thì lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, không có nghĩa thời kỳ tiền rẻ sẽ quay lại. Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu của Công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng: “Trong bối cảnh này, môi trường tiền rẻ - lãi suất rất thấp và vay tiền dễ dàng - không thể lặp lại như hồi năm 2021".
Ngược lại, nếu lãi suất giảm nhanh và mạnh, giới phân tích lo ngại tiền rẻ có thể “chảy” vào một số lĩnh vực “nóng”. Vì vậy, cần phải hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh…
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, khuyến nghị, chính sách lãi suất, tiền tệ vẫn cần có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách khác để giúp khơi thông dòng vốn trên thị trường, có như vậy mới đảm bảo đồng thời cả mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Tại họp báo quý I/2023, được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Huyền Anh