Kể từ cuối tháng 3 đến nay có nhiều nhà băng đã tăng lãi suất huy động đến 4 lần. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7, đà tăng lãi suất dường như chậm dần lại so với các tháng trước.
Đà tăng của lãi suất huy động chậm lại
Theo đó, nửa đầu tháng 7 ghi nhận thị trường có 10 ngân hàng tăng lãi suất, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank và KienLong Bank.
So với cùng kỳ tháng trước, thị trường đã ghi nhận có đến 20 ngân hàng tăng lãi suất, nhưng cuộc đua tăng lãi suất huy động dường như đang chậm lại tại các ngân hàng thương mại.
Đáng chú ý, các ngân hàng Big4 gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank vẫn đang đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động, khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang dần phân hóa lớn.
Mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục đi lên nửa cuối năm. |
Hiện, VietinBank đang giữ mức lãi suất ưu đãi nhất, tiếp theo sau là BIDV.
Theo đó, lãi suất tại VietinBank dao động trong khoảng 2,0 - 5,0%/năm, BIDV dao động trong khoảng 1,7-4,8%/năm, Vietcombank dao động trong khoảng 1,6-4,7%/năm, Agribank dao động trong khoảng 1,6-4,7%/năm.
Tuy lãi suất tại Agribank và Vietcombank dao động trong một khoảng tương tự nhau, song lãi suất tại Agribank cao hơn Vietcombank 0,1 điểm % tại các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng.
Với làn sóng tăng lãi suất thời gian qua, lãi suất huy động toàn thị trường đã tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 3 năm nay, nhưng vẫn thấp hơn 0,15 - 0,45 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động tăng trên diện rộng thời gian qua chủ yếu do tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng chậm. Ngoài ra, áp lực tỷ giá vẫn rất lớn khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ngoại tệ, hút ròng tiền đồng về cũng gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng.
Hai yếu tố này dự báo sẽ vẫn tiếp tục duy trì, đẩy mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định việc tăng lãi suất tiết kiệm sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… đang có tín hiệu phục hồi và thu hút dòng tiền trở lại. Ngoài ra, ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm tránh việc người dân rút tiền đồng đầu cơ USD trong bối cảnh tỷ giá VND/USD đang tăng. Chưa kể chính ngân hàng cũng cơ cấu lại nguồn vốn để đón xu hướng tăng tín dụng trong thời gian tới.
3 yếu tố khiến lãi suất cho vay khó tăng
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong quý III hoặc quý IV/2024 nhưng lãi suất cho vay sẽ cố gắng giữ ở mức hiện tại.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vietinbank cho biết, hiện các ngân hàng đang nỗ lực tiết kiệm chi phí kinh doanh, đồng thời đã chủ động giảm lợi nhuận… nên lãi suất đầu ra có thể không tăng theo lãi suất tiền gửi. Bởi lẽ, nếu tăng lãi suất cho vay, khách hàng không tiếp cận được vốn thì ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Các chuyên gia đánh giá điều kiện để dòng vốn ra thị trường đó là phía cầu ấm lên, lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để doanh nghiệp có thể tính kế hoạch làm ăn và chính sách cơ cấu giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp.
Với những điều kiện trên, hiện nay, nền kinh tế đã bước vào pha phục hồi, đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng trở lại, xuất nhập khẩu khởi sắc, nhu cầu vay vốn sẽ rất lớn.
Về cơ cấu thời gian trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay Ngân hàng Nhà nước vừa cho phép việc kéo dài Thông tư 02, trong bối cảnh rất nhiều khách hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 – 2025. Người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.
Đồng thời, việc gia hạn Thông tư 02, cũng có thể giúp giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho phía các doanh nghiệp, cho dù chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Áp lực lãi suất và trả nợ ngân hàng luôn là mối lo đè chặt trên vai doanh nghiệp.
Hậu quả của dịch COVID-19 làm “tê liệt” nền kinh tế vẫn là những thách thức, khó khăn chưa được giải quyết đối với hầu hết doanh nghiệp, nay tiếp tục là những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế toàn cầu đối với thị trường tiêu thụ khiến cho doanh nghiệp phải đối diện với tình cảnh tồn kho, nợ đọng do khách hàng của chính mình cũng khó khăn về tài chính.
"Việc giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố dù ngắn hạn nhưng chắc chắn sẽ rất hữu ích giúp doanh nghiệp có thêm thời gian tìm kiếm đơn hàng và có thêm tài chính để trang trải các khoản nợ”, ông Ngân nói.
Lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Bởi Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay, cùng với đó là áp lực cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh nếu lãi suất chỉ thấp trong một thời gian ngắn rồi "giật cục" sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Tương tự với cá nhân, nhất là người vay để mua nhà, nếu lãi suất chỉ thấp trong thời gian ưu đãi rồi đến kỳ điều chỉnh lại tăng, sẽ rất khó cho người vay khi tính kế hoạch tài chính.
Huyền Anh