Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống ngân hàng đến hết tháng 5 vừa qua đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% dư nợ toàn nền kinh tế. Theo các chuyên gia, tỷ lệ này còn gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.
Cầu tín dụng cá nhân tăng
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng ra thị trường hơn 600.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối quý II đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng.
Còn theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% (cùng thời điểm năm trước tăng 3.83%), bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,73%. Tuy nhiên, trên thực tế thì dư nợ tín dụng chỉ thực sự bắt đầu tăng từ tháng 3/2024, còn trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng hằng tháng đều bị sụt giảm so với thời điểm cuối tháng trước và cuối năm 2023.
NHNN đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm ngoái.
Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống ngân hàng đến hết tháng 5 vừa qua đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% dư nợ toàn nền kinh tế. |
Đáng chú ý là cầu vay tiêu dùng cá nhân tăng nhanh hơn doanh nghiệp. Các gói vay ưu đãi lãi suất, các chính sách ân hạn gốc, chỉ trả lãi hay kéo dài thời gian trả nợ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Chị Nguyệt (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay lãi suất cho vay của ngân hàng đang khá tốt, vì vậy dù vẫn đủ tiền mua một chiếc xe ô tô để phục vụ cho công việc, song tôi vẫn quyết định vay ngân hàng 350 triệu đồng, tương đương 50% tổng chi phí mua xe ô tô. Khoản tiền dôi dư để sử dụng cho việc khác như đầu tư hay nhu cầu tiêu dùng khác”.
Khảo sát trên thị trường hiện nay nhiều gói vay tiêu dùng như mua đồ điện tử, cải tạo, sửa chữa…, lãi suất chỉ khoảng 6%/năm, có thể thao tác trực tuyến, nên tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần mức tăng trung bình của tín dụng toàn ngành.
Bà Vũ Nam Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng LPBank nêu ý kiến: "Hiện tại có khoảng 35.000 khách hàng đã được sử dụng các gói tín dụng ưu đãi cho vay tiêu dùng, với tổng mức dư nợ khoảng gần 31.500 tỷ, tương ứng mức giảm lãi suất là 2,5% so với mức lãi suất trung bình".
Vay tiêu dùng cần thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng. Do từng món vay đã gắn với mục đích cụ thể, nên 2,5 triệu khách hàng vay tiêu dùng của ngân hàng này không cần thế chấp tài sản, mà được vay hoàn toàn bằng tín chấp.
Phó tổng giám đốc HDBank, ông Trần Hoài Nam cho biết, hiện cầu vốn cá nhân tăng trưởng tốt. HDBank có Công ty Tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và ghi nhận đến nay, gói tín dụng này giải ngân khá tích cực.
Tại ACB, tăng trưởng tín dụng quý I/2024 của ngân hàng đi vào các mảng chính, gồm sản xuất - kinh doanh (50%), mua nhà để ở (khoảng 30%), vay tiêu dùng (20%). Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 3,8%; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng 3,5%.
Đáng chú ý, thị phần của ACB trong mảng bán lẻ khá cao, thế mạnh của ACB là cho vay hộ sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2024, ACB tiếp tục củng cố vị thế trong phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng SME.
Cho vay mua nhà giá rẻ là động lực thúc đẩy tín dụng tăng
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Công ty chứng khoán KB Việt Nam đưa ra ý kiến: "Kỳ vọng tiêu dùng trong những tháng cuối năm có thể sẽ khởi sắc hơn nhờ những chính sách kích cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như giảm thuế VAT, hạ lãi suất và đẩy mạnh đầu tư công".
Đường đi đến đâu, nhà mọc lên đến đó, nguồn cung nhà ở tăng, người dân mua nhà nhiều hơn, khi được giảm phí trước bạ, người dân mua xe nhiều hơn. Chính sách tài khóa song hành với chính sách tiền tệ đang thúc đẩy người dân tiêu dùng nhiều hơn, từ đó góp phần vào tổng cầu của nền kinh tế.
Theo đại diện lãnh đạo Techcombank, xét về lĩnh vực bán lẻ, tức là nhóm khách hàng cá nhân thì tỷ lệ được coi là tầng lớp trung lưu trở lên của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhanh do tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao trên thế giới cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người dân luôn có và tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn nên khi mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ông Lịch nhấn mạnh, các ngân hàng nên tập trung phân khúc tín dụng nhà ở, tức đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà, thay vì tập trung hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư bất động sản.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, “cửa” đẩy vốn khả quan nhất hiện nay là lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh tín dụng bất động sản, cần thiết kế lại chính sách. Theo đó, phải thay đổi quan điểm đẩy mạnh nhà ở xã hội vì vướng quá nhiều điều kiện, thủ tục, thay vào đó là tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ.
Ông Nghĩa cho rằng, nếu chỉ gói gọn trong nhà ở xã hội như hiện nay, sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc, vì người có khả năng mua nhà thì không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán.
Về phía NHNN cho biết, sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải tiếp tục công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) trên website của ngân hàng. Qua đó, khách hàng có thêm thông tin tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Huyền Anh