Trong báo cáo cập nhập ngành ngân hàng mới đây, công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, nhiều ngân hàng được cấp thêm "room" tín dụng trong nửa sau 2021, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần lớn.
Nới room, giảm lãi suất
Nửa cuối năm thường được xem là mùa vụ cao điểm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng tình hình năm nay dự kiến sẽ kém khả quan, bởi khách hàng đang phải đối mặt với khó khăn vì dịch Covid-19. Không ít nhà máy phải tạm thời đóng cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị “tê liệt”, nhất là các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội dài ngày nhằm kiểm soát dịch bệnh.
(Ảnh minh hoạ: Int) |
Mặt khác, "sức khỏe" doanh nghiệp yếu dần do ảnh hưởng bởi dịch bệnh là rào cản lớn trong việc tiếp cận khoản vay mới, vì khó đáp ứng được điều kiện tín dụng. Trong khi đó, các ngân hàng kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế nợ xấu - vốn đang có dấu hiệu gia tăng.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi tất cả ngân hàng thương mại miễn giảm lãi suất cho vay để chung tay và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số tổ chức tín dụng có giảm, nhưng chưa phải 100% ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Thực tế mới có 16 ngân hàng ký cam kết giảm lãi suất cho vay.
Trong bối cảnh đó, báo cáo mới đây của BSC cho biết, một số ngân hàng đã được cấp thêm room tín dụng lên trên 13% gồm: MSB (16%), MB (15%), VIB (14,1%), ACB (13,1%), Lien VietPostBank (13,1%). Các ngân hàng còn lại được nới room lên mức từ 9,5-12,5% gồm: Vietcombank (12,5%), VPBank (12,1%), SHB (10,5%), Sacombank (10,5%), OCBank (10%), VietinBank (9,5%).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn này. Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau những tác động nặng nề từ dịch Covid-19.
Bởi, theo tính toán, với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện trên 10 triệu tỷ đồng, nếu các ngân hàng chỉ cần giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay, doanh nghiệp sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch…
Những ngân hàng được nới "room" tín dụng chủ yếu phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất trong nửa cuối năm nay. Trong đó, TPBank và Techcombank là 2 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất (17,4% và 17,1%) do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.
Lãi suất cho vay thấp nhất 2 năm qua
Đầu tháng 9, một số ngân hàng thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, đợt giảm lãi suất cho vay này tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, với những đợt điều chỉnh giảm lãi suất gần đây, các ngân hàng đã đưa mặt bằng lãi suất về chỉ từ 4%/năm - mức thấp nhất trong gần 2 năm qua. Các nhà băng theo đó đã giảm lãi suất cho vay từ 1% - 1,5% cho gần như toàn bộ các khoản vay, thời gian giảm lãi suất từ 1/7 - 31/12/2021.
Ước tính, việc giảm lãi suất sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng giảm từ 1.000 - 5.000 tỷ đồng trong cả năm 2021. Tuy nhiên, room tăng có khả năng bù lại phần lợi nhuận bị giảm này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nới room sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp, vì ngân hàng dồi dào thanh khoản sẽ không dẫn đến tình trạng tăng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Ngược lại, nếu hạn mức tín dụng thấp, lãi vay tăng là điều tất yếu, từ đó các ngân hàng khắt khe hơn trong việc cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong quý III và chưa xác định được quý IV sẽ ra sao, một số chuyên gia dự báo tín dụng ngân hàng năm 2021 tăng trong khoảng 10 - 13% là phù hợp. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng, lợi nhuận ngân hàng có nguy cơ giảm, do nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Khối nghiên cứu của BSC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống mức 13% trong năm 2021, giảm 1% so với dự báo trước đó.
Về cơ cấu huy động, việc đẩy mạnh tăng trưởng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn là trọng tâm của các nhà băng. Đây được đánh giá là xu hướng chung trong thời gian tới của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn trong nửa cuối năm nay. Đây cũng là yếu tố giúp các ngân hàng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.
Huyền Anh