Có ít nhất 10 ngân hàng thương mại đang có lãi suất huy động VND vượt trên 8%/năm (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Trước tình hình dịch Covid-19 chưa có vắc-xin phòng ngừa nên gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động kinh doanh và ngành ngân hàng cũng không thể tránh khỏi. Vì thế, một mặt các ngân hàng vẫn phải giảm lãi suất cho vay, mặt khác tăng lãi suất huy động nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn trung – dài hạn.
Tiền gửi kỳ hạn dài vượt mức 8%/năm
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 hạ trần lãi suất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhằm hạ chi phí vốn để các ngân hàng thương mại có dư địa hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại đã giảm theo. Và xu hướng này tiếp tục kéo dài sang cả tháng 5.
Thống kê thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy lãi suất huy động VND tiếp tục giảm ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn.
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu dưới 5.000 tỷ đồng và trên 5.000 tỷ đồng có lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng giảm lần lượt 0,05%, 0,09% và 0,09% xuống mức 6,4%/năm, 7,35%/năm và 6,77%/năm. Kỳ hạn 6 tháng cũng có mức giảm từ 0,06-0,1%.
Tuy nhiên, ở các kỳ hạn tiết kiệm từ 13 tháng trở lên, lãi suất vẫn đang duy trì ở mức rất cao và có chênh lệch lớn với lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Thậm chí, theo biểu lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, có ít nhất 10 ngân hàng thương mại đang có lãi suất huy động VND vượt trên 8%/năm.
Chẳng hạn như: VietBank, OCB, ABBank, NCB, EximBank, SCB, Bản Việt, SHB hiện phổ biến trong khoảng 8 – 8,55%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn huy động từ 13 tháng trở lên.
Đáng chú ý, một số ngân hàng trong số này dành lãi suất cao nhất cho số tiền lớn từ 100 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng. Trong đó, SHB thậm chí trả lãi suất tới 9,2%/năm cho số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, biểu lãi suất huy động ở kỳ hạn dài ở một số ngân hàng cũng đang được niêm yết ở mức 8%/năm như trường hợp của CBBank: lãi suất các kỳ hạn từ 15 tháng đến 60 tháng lĩnh lãi cuối kỳ đồng loạt có mức lãi suất 8%/năm.
Theo đánh giá của BVSC, mức giảm của lãi suất huy động hiện nay sẽ không mạnh như mức giảm của lãi suất cho vay. Nguyên nhân là do lượng tiền gửi có thể sẽ tăng thấp khi nguồn thu của doanh nghiệp và người dân sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhà băng gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp
Có thể thấy, trong cơn đại dịch vừa qua, các ngân hàng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khách hàng vay vốn bằng việc cơ cấu lại nợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, miễn giảm phí dịch vụ…
Đến nay, theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng; hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng với dư nợ khoảng gần 950.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5 - 4,5 điểm phần trăm cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng; miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại không thiếu vốn và sẵn sàng cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để nâng quy mô các gói hỗ trợ.
Thực tế, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi vay như như HDBank tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Nam A Bank giảm thêm 2-2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch...
Sở dĩ lãi suất cho vay của ngân hàng theo xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây là do cầu vốn của khách hàng giảm mạnh vì dịch Covid-19.
Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong những năm gần đây, thậm chí nửa đầu tháng 4, tín dụng tăng trưởng âm đã kéo theo những lo ngại về mức tăng trưởng cả năm. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng nhẹ trở lại trong giai đoạn nửa cuối tháng 4, mức tăng từ 0,8% vào giữa tháng 4 lên 1,32%, tương đương tăng trưởng được 0,52%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, dịch bệnh ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, song cầu vốn của khách hàng chưa trở lại như trước đây. Vì vậy, để kích cầu tín dụng và chia sẻ khó khăn với khách hàng, OCB giảm 2%/năm lãi suất cho vay VND so với khoản vay thông thường.
Doanh nghiệp nhận ưu đãi hoạt động trong một số lĩnh vực thiết yếu như sản xuất - kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày, dược phẩm và dịch vụ y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, thi công dân dụng, trường học, giáo dục...
Đồng thời, gói vay tín chấp với lãi suất từ 1%/tháng dành cho giáo viên, cán bộ nhân viên khối trường học (đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa dịch Covid-19) của OCB là một trong những chính sách khá thiết thực, được đánh giá cao trong cộng đồng.
Huyền Anh