Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Riêng tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng dư nợ toàn nền kinh tế...
Nhiều gói tín dụng ưu đãi
Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tính đến cuối tháng 10/2023 chỉ đạt 4,67%, thấp hơn so với cả nước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây, song phù hợp với tình hình kinh tế chung hiện nay.
Kết thúc 3 quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng có phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng, có nhà băng sử dụng gần hết room tín dụng được giao (đều trên 10%), nhưng có ngân hàng mới đạt 3-4%.
Để kích thích nhu cầu vay vốn, nhiều ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi. |
Khảo sát của VnBusiness, tại nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến cuối quý III/2023 chỉ đạt 3,9%, trong khi của VietinBank là 8,7%.
Ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, mức tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9/2023 của ABBank đạt 4%, VietABank là 7%, BVBank và Saigonbank là 4,3%...
Nhóm tăng trưởng tín dụng cao là ACB, Sacombank, đến cuối quý III tăng lần lượt 8,2% và 7,6%... so với đầu năm nay. Đặc biệt, mức tăng trưởng tín dụng của MB đạt tới 16,4%.
Để kích thích nhu cầu vay vốn, chưa khi nào số lượng gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng quảng bá, giới thiệu nhiều như hiện tại, và giá trị các gói tín dụng ưu đãi cũng liên tục được nhà băng nâng lên. Chẳng hạn, BVBank vừa tung ra gói tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, vay mua bất động sản xây dựng, sửa chữa nhà… với lãi suất từ 6,5%/năm; ACB nâng gói tín dụng ưu đãi lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất giảm đến 3%.
Nhiều ngân hàng cũng tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng. Điển hình như Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay trong năm nay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3-4%/năm tùy từng lĩnh vực, sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3-1,5%/năm.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, NHNN đặt mục tiêu cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng 1-1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của NHNN, mức lãi suất trung bình với những khoản cho vay mới giảm 2- 2,2%, tức là đã vượt kỳ vọng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2023, NHNN đã có sự điều hành linh hoạt về tín dụng, cả về phía cung lẫn phía cầu.
Về phía cung, từ đầu năm, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN đã điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.
Còn với phía cầu, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái.
Không để nghẽn tín dụng
Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng việc hạ lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay là rất khó, song lãi suất cho vay tại các ngân hàng có thể giảm thêm để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn.
Trong Công điện gửi Thống đốc NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng yêu cầu NHNN rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022. Theo đó, cần khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực.
Đồng thời, rà soát kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi.
NHNN được yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank khẳng định, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là mong mỏi của các doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm và nỗ lực của các ngân hàng thương mại.
Thậm chí, trong các gói cho vay hiện tại, nhiều khi cho vay là để doanh nghiệp đáp ứng thanh khoản, để thanh toán cho một bên thứ ba. “Điều này không quan trọng nếu chúng tôi nhận thấy sẽ có nguồn tiền trả lại cho gói tín dụng đó. Thanh khoản của tín dụng, nguồn tiền có thể không tăng trưởng, nhưng chúng ta vẫn phải tồn tại cùng nhau, hỗ trợ nhau ở thời điểm này”, ông Phương nói.
Đại diện NHNN cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, các ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết khi nhu cầu vốn tăng cao.
Theo Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư tốt, niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng thực thi và triển khai chính sách, doanh nghiệp cũng cần làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn.
Huyền Anh