Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó yêu cầu không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ...
Cho vay thả ga, đòi nợ khủng bố
Theo các chuyên gia, thời gian qua, sức hấp dẫn của tín dụng tiêu dùng đã “lôi kéo” được nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường, đồng nghĩa với sức cạnh tranh thị phần ngày càng lớn.
Để hút khách hàng, gia tăng thị phần, nhiều công ty tài chính đưa ra hình thức cho vay dễ dàng, không thẩm định mục đích sử dụng, nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thậm chí, trên thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn còn dấu hiệu biến tướng, chủ yếu ở một số công ty, tổ chức hoạt động phi chính thức, chứ không phải từ các công ty tài chính tiêu dùng đã được cấp phép.
Hiện nay, xét về dư nợ, công ty tài chính cho vay tiền mặt lớn nhất là FE Credit (76% tổng dư nợ của công ty này là cho vay tiền mặt). Tuy nhiên, về tỷ lệ, tại một số công ty mới thành lập, cho vay tiền mặt lên tới xấp xỉ 90% tổng dư nợ tín dụng. Đại diện nhiều “tân binh” tài chính tiêu dùng cho hay các điểm bán hàng như xe máy, điện máy, siêu thị… đã bị các công ty lớn, gia nhập thị trường sớm nhanh chân ký kết, nên công ty tài chính mới chỉ còn cách cho vay tiền mặt.
Cho vay tiền mặt lớn và cơ chế cho vay “thoáng” khiến nợ xấu của khối công ty tài chính tiêu dùng khá cao, dao động ở mức 5 - 8%/ năm, trong đó 90% là nợ có khả năng mất vốn. Nhiều công ty tài chính áp dụng cách đòi nợ “khủng bố”, gây mất ổn định, an toàn xã hội.
Không chỉ đe dọa, trấn áp con nợ, các công ty tài chính còn “khủng bố” người thân, bạn bè của họ. Những hoạt động đòi nợ không kể thời gian nào, trung bình những người này phải nhận từ 20 - 30 cuộc gọi, ít nhất cũng 10 cuộc gọi/ngày từ các công ty tài chính khiến cho cuộc sống đảo lộn bởi các cuộc gọi đòi nợ không phải của mình.
Vừa qua, chủ một doanh nghiệp ở Tp.HCM đã phải đóng cửa công ty, không dám về nhà vì bị công ty tài chính “khủng bố” bằng cách ném gạch đá, nằm vạ trong công ty để đòi nợ. Hay như trường hợp của chị Trần V. (Bình Thạnh, Tp.HCM) còn bị một công ty tài chính cho người đến đòi nợ kiểu xã hội đen, đòi chém, siết đồ vì “cục nợ”... không phải của chị.
“Có lẽ đây chính là nguyên nhân NHNN ban hành quy định mới để “phanh” dần cho vay tiền mặt của khối công ty tài chính”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ.
![]() |
Quy định phù hợp nhưng khó khả thi
Theo quy định tại Thông tư số 18, công ty tài chính phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi. Công ty tài chính phải có các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng.
Đồng thời, quy định biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Trong đó, số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.
Công ty tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật...
Các chuyên gia cho rằng quy định này không chỉ phù hợp với bối cảnh “cho vay thả ga, đòi nợ khủng bố” diễn ra trong thời gian vừa qua mà còn đáp ứng thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tính khả thi vẫn cần chờ thời gian.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty luật Basico, cho rằng quy định để “vui” là chính, còn việc thực thi có hiệu quả hay không thì không chỉ phụ thuộc vào NHNN, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
“Không quy định thì không được, còn nếu quy định mà thực thi triển khai như thế nào thì việc đó không phải là của NHNN mà là của chính quyền, công an và người dân… Đây là bài toán khó trong thực thi pháp luật - vấn đề mà Việt Nam luôn phải đối mặt. Tuy nhiên, có quy định còn hơn không”, ông Đức cho hay.
Theo ông Đức, để xử lý được các trường hợp đòi nợ theo kiểu “khủng bố” vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào người dân. Giả sử công ty tài chính có vi phạm, sai trái thì người dân phải quay phim chụp ảnh… để làm bằng chứng chứng minh. Lúc đó, người dân mới có quyền yêu cầu chấm dứt, bồi thường, xin lỗi và xử phạt.
Huyền Anh