Báo cáo do Climate Bonds Initiative và Ngân hàng HSBC công bố hồi tháng 6/2022 cũng cho thấy, tổng giá trị thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh năm 2021 tại Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt 3 năm liền.
Tín dụng xanh vẫn nằm trong tay các ngân hàng lớn
Tính đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng xanh là hơn 440.000 tỷ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế). Con số này đã tăng rất mạnh, bởi vào cuối năm 2015, dư nợ tín dụng xanh chỉ là hơn 70 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,5% tổng dư nợ toàn hệ thống).
HDBank đã giải ngân đến hơn 13.000 tỷ vào tài trợ xanh, đáp ứng tiêu chí ESG |
Ngoài ra, mới đây, nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế cũng đã công bố tài trợ những khoản tín dụng xanh “khổng lồ” cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, HSBC đã thu xếp khoản tín dụng xanh trị giá 900 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (Tập đoàn REE) với kỳ hạn 7 năm; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cam kết sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính - tín dụng xanh, chống biến đổi khí hậu…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều nguồn vốn quốc tế để thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam. Nếu tính cả dư nợ có liên quan đến tác động môi trường thì chiếm khoảng 14,5%, tuy đã rất tích cực nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với yêu cầu về chuyển đổi xanh và tín dụng xanh".
Điều này cho thấy, dư nợ tín dụng xanh có xu hướng tăng nhanh theo từng năm, nhưng quy mô dư nợ tín dụng xanh hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng dư nợ toàn hệ thống.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tín dụng xanh ở Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ. Đặc biệt, tín dụng xanh mới chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn, do các ngân hàng nhỏ không có nguồn vốn dài hạn, đủ lớn để có thể phục vụ các dự án lớn, lâu dài như năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2021, BIDV đạt quy mô tín dụng hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 36% dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng có tâm lý e dè khi đầu tư vào lĩnh vực xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo chính là do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng lại thường là ngắn hạn.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý để tăng khả năng huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực. Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực của cán bộ ngân hàng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế.
Tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực quốc tế đa dạng
Tại Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững tổ chức ngày 16/8, các chuyên gia cho rằng, để khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh cho phát triển bền vững, cần sớm xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù như chính sách bảo đảm tiền vay, cơ chế xử lý rủi ro, điều chỉnh chính sách lãi suất nhằm thúc đẩy đầu tư.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, thực tế các đối tác như IFC rất kỳ vọng là đối tác của các tổ chức tín dụng (TCTD) của Việt Nam tài trợ cho các dự án xanh. Nhưng hiện nay không ít ngân hàng chưa biết làm thế nào để vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục làm dự án xanh. NHNN cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn cho các TCTD để triển khai.
Đại diện IFC gợi ý về hình thức "chia sẻ rủi ro với sự bảo lãnh của IFC". Theo đó, IFC sẽ bảo lãnh một phần cho tín dụng của ngân hàng, có thể chịu 50% rủi ro mất vốn hoặc lợi nhuận. Đó là cách tốt giảm bớt nguồn vốn và rủi ro mà hệ thống ngân hàng Việt Nam phải gánh chịu.
"IFC có xếp hạng tín nhiệm AAA, khi hợp tác với IFC thì hệ số rủi ro sẽ thấp hơn, ngân hàng sẽ thuận lợi hơn trong việc phối hợp tài trợ tín dụng xanh. Đây là điều kiện quan trọng thu hút nguồn lực quốc tế, quốc tế hóa cho các dự án xanh ở Việt Nam, IFC có khả năng hỗ trợ toàn bộ thị trường, vấn đề là cần có những cơ chế, sản phẩm đặc thù để phối hợp tài trợ cho các dự án xanh", đại diện IFC nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, NHNN dự kiến trong một năm tới hoàn thành kế hoạch hành động, hướng tới phân công nhiệm vụ cụ thể trong NHNN cũng như các TCTD. NHNN tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý như: Thông tư quản lý rủi ro về môi trường, hiện đã hoàn tất thủ tục soạn thảo và đang xin ý kiến các đơn vị liên quan. NHNN cũng thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các TCTD phải đánh giá rủi ro các dự án tác động tới môi trường khi cấp tín dụng, dự kiến cuối quý III/2022 hoàn tất.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng xanh; đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh…
Ngoài ra, phía NHNN cũng đề xuất cần có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ…
Huyền Anh