Các ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II. Trong đó, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các nhà băng này tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay lên 291.615 tỷ đồng.
Cụ thể, BIDV đang là ngân hàng nhận lượng tiền gửi từ KBNN lớn nhất với 120.265 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng mạnh 6,2 lần so với thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn chiếm tỷ trọng lên tới hơn 98%.
Tại VietinBank, KBNN có số dư tiền gửi bằng VND đến cuối quý II là 107.717 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với thời điểm cuối năm 2023 là 21.047 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, quy mô tiền gửi của KBNN là 62.534 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6. So với BIDV và VietinBank, con số tiền gửi của KBNN tại Vietcombank khiêm tốn hơn, nhưng vẫn gấp tới hơn 81 lần hồi cuối năm trước, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.
Agribank là ngân hàng có số dư thấp nhất trong nhóm Big 4, chỉ đạt hơn gần 1.100 tỷ đồng, tăng nhẹ 23% so với cuối năm 2023.
Ngân quỹ nhà nước là toàn bộ tiền mặt tại các đơn vị Kho bạc; các khoản tiền của Nhà nước có trên các tài khoản của Kho bạc mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Hiện, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo các thứ tự ưu tiên, là cho ngân sách Nhà nước vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng khi nguồn thu chưa về kịp.
Trước đây, lượng lớn tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của KBNN được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN.
Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, tuy nhiên, với các quy định, điều kiện khắt khe về đối tượng có thể tham gia đấu thầu, từ khi bắt đầu triển khai quy định mới, hầu như chỉ có nhóm Big 4 tiếp cận được nguồn tiền khổng lồ này.
Với việc chiếm tỷ trọng trên dưới 50% thị phần huy động và cho vay trong hệ thống, nguồn tiền lớn từ KBNN giúp nhóm ngân hàng này không chịu quá nhiều áp lực huy động từ khách hàng khi lãi suất của nhóm luôn thấp nhất thị trường.
Ngoài ra, theo Thông tư 26 có hiệu lực từ cuối năm 2022, một phần tiền gửi có kỳ hạn của KBNN có thể được tính vào cấu phần huy động khi tính tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng).
Điều này có tác động tích cực lên thanh khoản ngân hàng, khi cho phép một phần tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại các ngân hàng được tính vào phần dư địa cho vay thêm, theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay, đồng thời, nâng cao tỷ lệ sinh lời của ngân hàng.
Tính tới cuối năm 2023, trong gần 7 năm, gần 7,8 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại, hưởng lãi 25.100 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý II/2024, trừ Agribank có mức lãi giảm nhẹ so với cùng kỳ, BIDV, Vietcombank và VietinBank đều ghi nhận tăng.
Cụ thể, Vietcombank (VCB) tiếp tục là quán quân lợi nhuận. Ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản BIDV vượt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,9%, đạt hơn 1,88 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6%, đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2024, các chỉ tiêu kinh doanh của VietinBank đều duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định. Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn CASA của VietinBank đạt gần 334.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm; tỷ trọng CASA đạt gần 22,8%. Lợi nhuận trước thuế đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 13.269 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, Agribank vẫn đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng ngân hàng lãi lớn nhất, sau MB, BIDV, Techcombank và Vietcombank.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tăng 24,5% lên 11.048 tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết các mảng kinh doanh của Agribank đều có kết quả khả quan.
Thanh Hoa