Theo các chuyên gia, ngân hàng thiếu tiền hay thừa tiền đều không tốt. Trước mắt, việc thừa tiền có thể thuận lợi cho các nhà băng chủ động điều tiết nguồn tiền, nhưng về lâu dài sẽ gây nên nhiều hệ lụy cho bản thân ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Nhiều dấu hiệu thừa vốn
Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây có xu hướng giảm mạnh ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt.
Chẳng hạn, trong tuần thứ 4 của tháng 6, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh so với tuần trước. Tính đến ngày 22/6, lãi suất qua đêm ở mức 1,1%, lãi suất 1 tuần ở mức 1,1% và lãi suất 1 tháng là 1,6%.
So với thời điểm một tuần trước đó, lãi suất liên ngân hàng đã giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn và đạt mức thấp trong 2 tháng qua. Diễn biến này cho thấy tình hình thanh khoản tốt trên thị trường.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%) và tăng trưởng tín dụng đạt 6,35% (cùng kỳ tăng 7,54%).
Tín dụng tăng chậm khiến thanh khoản của các ngân hàng dư thừa. Các nhà băng không còn dùng “chiêu” để tăng lãi suất huy động nữa và lãi suất đã giảm ở những kỳ hạn ngắn.
Thậm chí, động thái này đã trở thành xu hướng khi hàng loạt ngân hàng, kể cả những “ông lớn”, như BIDV, VietinBank, Eximbank, LienVietPostBank… từ tuần cuối của tháng 5 giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn khoảng 0,1% – 0,2%/năm nhằm cơ cấu lại các kỳ hạn huy động.
Đối với các kỳ hạn trung và dài hạn, mức lãi suất vẫn được niêm yết ở biên độ lớn, phổ biến ở mức mức 6,8%/ năm kỳ hạn 12 tháng và từ 7% – 8%/năm kỳ hạn trên 36 tháng nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài hơn
Giám đốc kinh doanh một ngân hàng thừa nhận nhiều ngân hàng thương mại đang thừa vốn nên buộc phải giảm bớt lãi suất huy động.
“Việc giảm lãi suất huy động cũng nhằm cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn theo hướng khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài, thay vì tập trung vào các kỳ hạn ngắn như trước”, vị này nói.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay được giữ ổn định. NHNN cho biết, lãi suất cho vay hiện phổ biến ở mức 6% – 9%/năm đối với ngắn hạn, khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay từ 4% – 5%/năm, 9% – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng dư thừa vốn ở quý II gia tăng hơn trong quý I. Đây là một nghịch lý bởi bước sang quý II, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp (DN) sẽ tăng mạnh, nên việc dư thừa tiền ở các ngân hàng chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế không tốt.
Thanh khoản dư thừa đang có lợi cho các ngân hàng, song về lâu dài, lượng tiền thừa này có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, như lạm phát, thanh khoản ảo, “bong bóng” trái phiếu Chính phủ… |
Không dễ cải thiện ngay
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do NHNN thời gian qua chỉ đạo “siết” tín dụng đổ vào bất động sản bởi lo vỡ “bong bóng”, vì vậy đã ảnh hưởng lớn đến sức tăng trưởng của tín dụng.
Nguyên nhân thứ hai là do “sức khỏe” của các DN chưa được cải thiện đáng kể. Các ngân hàng chặt chẽ hơn trong việc thẩm định hồ sơ cho vay nên số lượng DN tiếp cận được vốn tín dụng không nhiều trong khi nhu cầu rất cao.
Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại khẳng định nguồn vốn tại các nhà băng hiện đang dư thừa hàng trăm ngàn tỷ đồng, nên đối với khách hàng có tiềm năng, hồ sơ minh bạch và “sức khỏe” tốt là ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ 6-8,5%/năm.
Trước tình hình trên, nhiều ý kiến lo ngại dư vốn một mặt khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị sụt giảm, mặt khác có thể khiến cạnh tranh tín dụng gia tăng giữa các ngân hàng, đồng thời các kênh khác (ngoài tín dụng) như đầu tư trái phiếu hay gửi và cho vay thị trường 2 đều gặp bất lợi về lãi suất khi lãi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn và lãi suất liên ngân hàng đều giảm từ 1,5-2% so với cuối năm 2017, đứng ở mức rất thấp 1-1,5% đối với liên ngân hàng và 2,5-5% với trái phiếu Chính phủ.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh cần kiểm soát lạm phát do CPI tháng 6 tăng cao nhất kể từ 7 năm trở lại đây, NHNN sẽ vẫn giữ chính sách tiền tệ chặt chẽ thông qua việc duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý nên tình trạng dư thừa vốn sẽ không được cải thiện ngay.
Có thể nói, thanh khoản dư thừa đang có lợi cho các ngân hàng, song về lâu dài, lượng tiền thừa này có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, như lạm phát, thanh khoản ảo, “bong bóng” trái phiếu Chính phủ…
Huyền Anh