Theo bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HD bank, sẽ có nhiều nhà đầu tư (NĐT) tham gia chuyển nhượng cổ phần có thể diễn ra vào năm tới. Tuy nhiên, bà Tâm từ chối tiết lộ danh tính của các công ty Nhật Bản, với lý do các cuộc đàm phán đều được giữ kín.
Theo quy định tại Nghị định 69/2007/NĐ-CP, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài và người có liên quan của các NĐT nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của 1 ngân hàng Việt Nam và mức sở hữu cổ phần của NĐT không quá 15% trừ trường hợp đặc biệt có thể nới lên 20%.
Bán cổ phần cho 3 công ty tài chính Nhật
Các cuộc đàm phán của HD Bank diễn ra sau khi Mitsubishi UFJ Financial Group Inc tiến hành mua một lượng cổ phần trị giá 15.500 tỷ đồng (tương đương 734 triệu USD) của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vào tháng 12/2012.
Việt Nam đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vốn đang là gánh nặng với tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của Fitch Ratings. Một số thông tin gần đây cho thấy có thể sẽ có những quy định mới cho phép mở rộng sở hữu của NĐT nước ngoài trong công ty đại chúng nói chung và công ty niêm yết nói riêng.
Theo bà Tâm, Nhật Bản là NĐT nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với dòng vốn hỗ trợ phát triển đầu tư luôn tăng dần qua các năm. Quan hệ đối tác với các NĐT Nhật Bản có thể giúp HD Bank mở rộng kinh doanh với các công ty Nhật Bản và hỗ trợ Ngân hàng cải thiện vấn đề quản trị doanh nghiệp.
Theo ước tính của Bloomberg, 30% trong tổng số 810 triệu cổ phần đang lưu hành của HDBank có thể có giá trị lên tới 1.700 tỷ đồng. Còn theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới của Công ty Chứng khoán MHB, cổ phiếu của HD Bank đang lưu hành ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC.
Sẽ sáp nhập DaiABank và HDBank
Bà Tâm cũng tiết lộ, HDBank cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM sau khi lựa chọn một đối tác nước ngoài.
Ngoài Mitsubishi UFJ, 2 ngân hàng lớn khác của Nhật Bản cũng đã đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây. Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) với giá 225 triệu USD, vào năm 2007.
Tập đoàn Tài chính Mizuho cũng công bố việc mua 15% cổ phần của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với giá khoảng 560 triệu USD, trong năm 2011. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui đã từ chối bình luận có hay không việc họ đang tiến hành đàm phán với HDBank.
Ông John Sheehan, Giám đốc điều hành khu vực của Tập đoàn Capital Services, nhận định: người Nhật đang tích cực đầu tư hơn vào thị trường Đông Nam Á sau khi rút lui mạnh mẽ trên đất Trung Quốc. Ông cho biết các ngân hàng Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam cho đến nay đều trả mức giá cao hơn so với mức giá thị trường.
Mua lại Ngân hàng Đại Á
Bà Tâm cho biết HDBank đang tiến hành mua lại Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) và Công ty Tài chính Việt Société Générale, nhằm nâng tổng tài sản lên đến 93.000 tỷ đồng vào cuối quý I/2014. HDBank dự kiến nhằm thay thế cổ phiếu đang lưu hành của DaiABank với tỷ lệ 1 cổ phiếu mới thay thế cho 1 cổ phiếu DaiABank cũ.
Bloomberg ước tính, giá trị thương vụ này vào khoảng 2.200 tỷ đồng dựa trên mức giá hiện tại 7.000 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu HDBank và số cổ phiếu đang lưu hành ước khoảng 310 triệu cổ phiếu của DaiABank. Chủ tịch của DaiABank, ông Chu Việt Cường, cho biết thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn thành trong một vài tuần tới.
Hiện tỷ lệ nợ xấu của DaiABank tính đến cuối tháng 9 là 4,4%, trong khi HDBank là khoảng 3%. Bà Tâm cho biết DaiABank cũng không nằm trong danh sách các ngân hàng phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN.
HDBank đang có kế hoạch bán lại một số khoản nợ xấu của mình cho VAMC. Tháng 5/2013, NHNN Việt Nam đã tuyên bố rằng những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC
Theo đánh giá của Fitch Ratings, ngân hàng Việt Nam hiện có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong 6 quốc gia Đông Nam Á mà Fitch Ratings tiến hành khảo sát.
Ngày 18/11, NHNNViệt Nam đã có Quyết định số 2687/QĐ-NHNNvề việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank). Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận việc sáp nhập DaiABank và HDBank. NHNN yêu cầu HDBank có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của DaiABank. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thị thành, HDBank phải hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Bố cáo sáp nhập theo quy định của pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan. NHNN đồng thời yêu cầu DaiABank có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho HDBank. |
Hoàng Hải (theo Bloomberg)