Phó Thủ tướng cho biết, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng lao động, đời sống của nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng một chương trình phục hồi phát triển kinh tế báo cáo và Bộ Chính trị đã thông qua.
; |
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chương trình vào ngày 11/1/2022. Chỉ sau 19 ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, Nghị quyết đưa ra 5 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng 347.000 tỷ đồng.
"Với việc giao nhiệm vụ cụ thể, có thời hạn có kiểm tra, kiểm soát chúng ta thực hiện tương đối tốt nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ đã đi vào thực tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, trong số 347.000 tỷ đồng bao gồm: hỗ trợ là giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những hàng hóa dịch vụ,… doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và phí, lệ phí; Khoản giảm, kéo dài, gia hạn thời gian nộp thuế, tổng số các doanh nghiệp thực sự được thụ hưởng khoảng 6.000 tỷ đồng. Hay như gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã thông qua ngân hàng thương mại...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, việc tổ chức thực hiện khoản 40.000 tỷ đồng rất khó do thiếu các quy định cụ thể. Chính vì vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao. Sau 6 lần họp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét sớm thông qua.
"Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai ngay gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Việc triển khai phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng quy định của pháp luật", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai khoảng 38.400 tỷ đồng với 5 chương trình. Hiện nay, đã quy định cơ chế chính sách đối với 4 chương trình. Còn lại là chương trình cho vay ưu đãi để phát triển chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Sau 3 tháng, vừa làm vừa giải ngân, vừa làm vừa bố trí vốn, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4 chương trình tổng số 2.319 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ việc làm, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học trực tuyến, cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…
Về các giải pháp giải ngân trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng chính sách triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.
Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Chính sách xã hội phải triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách.
T.H