Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại Hội nghị trực tuyến về Triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ diễn ra ở Hà Nội sáng 18/5, thực hiện nhiệm vụ về ban hành chính sách cấp bù lãi suất cho vay 2% trong 2 năm 2022-2023, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, lấy ý kiến nên nhiệm vụ này đang đi vào khâu cuối cùng, chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ban hành sớm nhất, cố gắng trong tháng 5/2022.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải ngân đạt 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng của 4 chính sách tín dụng chỉ sau gần 1 tháng triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tiếp tục giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng khác và đạt kết quả tích cực.
Hơn 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi phục hồi kinh tế đã đến tay người dân thông qua NHCSXH |
Theo báo cáo của ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, ngân hàng đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến.
Đồng thời cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch trên địa bàn cả nước.
Huyền Anh