Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát vì không còn cách nào khác, phải tránh tình trạng không cầm cân được khiến lạm phát tăng.
Khoảng 2 triệu tỷ đồng sắp "chảy" ra thị trường
Dự thảo Nghị định về lãi suất cấp bù đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Dự kiến, trong tháng này, Nghị định và Thông tư sẽ được ban hành.
Theo các chuyên gia sức ép cung tiền từ gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng không đáng lo. |
Đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vay vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố cũng được hỗ trợ lãi suất.
Nhìn nhận về gói hỗ trợ lãi suất, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về mức độ rủi ro với thị trường. Bởi lẽ, với 40.000 tỷ đồng “vốn mồi”, trong 2 năm, lượng tín dụng ưu đãi chảy ra thị trường có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế thời điểm hiện tại. Đây là một con số rất lớn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia kinh tế lo ngại lạm phát tăng mạnh khi đưa tiền vào lưu thông và kích ở cả phía cung và cầu. Dẫn chứng nhiều quốc gia đều tăng lạm phát khi cung thêm tiền để phục hồi kinh tế như Mỹ, châu Âu, chuyên gia này lưu ý, Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn về lạm phát bởi đây là nguy cơ hiện hữu.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, quy mô gói hỗ trợ lãi suất tối đa là 40.000 tỷ đồng, áp dụng trong năm 2022 - 2023. Nếu trong 2 năm vẫn chưa giải ngân hỗ trợ hết 40.000 tỷ đồng cũng dừng lại. Trường hợp đến giữa năm sau, toàn bộ 40.000 tỷ đồng đã hỗ trợ hết, gói cấp bù này cũng sẽ dừng lại.
"Đã có kịch bản cho tăng trưởng, cũng cần kịch bản cho lạm phát để đảm bảo tăng trưởng, nhưng vẫn đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế, nhất là đảm bảo lạm phát 5 năm ở mức bình quân 4% như Quốc hội giao", chuyên gia này nói.
Sức ép từ cung tiền không lớn
Chia sẻ với VnBusiness, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng không nên coi gói hỗ trợ là bơm tiền vào nền kinh tế, bởi quan niệm như vậy nhiều người sẽ nghĩ rằng lượng tiền được bơm vào lưu thông rất nhiều, đẩy lạm phát lên cao.
Gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết, không cần quá lo lạm phát mà không thực hiện hỗ trợ. Thực tế, nguồn tiền mới đưa vào nền kinh tế từ chính sách cấp bù lãi suất không nhiều và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
"Có thực mới vực được đạo, vừa qua nhiều nước rất mạnh tay chi ngân sách cho phục hồi kinh tế", ông Cường nói.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: “Sức ép từ gói hỗ trợ không lớn, xét về mặt cung tiền. Thêm nữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp và kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ nên nhiều năm qua, lạm phát của Việt Nam không do yếu tố tiền tệ”.
Đồng tình, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc kiểm soát tổng cầu để kiểm soát tín dụng chưa phải vấn đề cần đặt ra. Tuy vậy, dự báo tín dụng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, nhưng vấn đề là tăng ở mức độ nào bởi khi nền kinh tế đủ khả năng hấp thụ như trong giai đoạn vừa qua duy trì từ 12-14% thì đây không phải yếu tố khiến lạm phát gia tăng.
“Khi gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng triển khai thì về cơ bản đây là gói hỗ trợ về bên cung nên không thể cung tiền ra ngoài thị trường để gây ra lo ngại về lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là cần sát sao, nắm bắt tình hình nhanh hơn nữa để phối hợp các chính sách tiền tệ có liên quan để kiểm soát lạm phát ở trong mục tiêu đề ra”, ông Khang nói.
Huyền Anh