Tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thuỷ sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” vừa được tổ chức, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, nếu giải ngân hết 30.000 tỉ đồng, NHNN sẵn sàng đề xuất lên 45.000 tỉ đồng, thậm chí 50.000 tỉ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó trong giai đoạn hiện nay.
Cú hích cho ngành lâm, thuỷ sản
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, cho hay chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản ban đầu có quy mô khoảng 15.000 tỉ đồng; lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay; thời gian triển khai đến hết 30/6/2024.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2024, các ngân hàng đã giải ngân 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn. Do đó, NHNN yêu cầu các nhà băng xem xét việc nâng quy mô thành gói 30.000 tỉ đồng và đã nhận được sự đồng thuận.
Các ngân hàng đã giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay Chương trình (theo quy mô 30.000 tỉ đồng) với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn. |
Thống kê của NHNN, đến nay, các ngân hàng đã giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay Chương trình (theo quy mô 30.000 tỉ đồng) với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.
Trong đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỉ đồng, chiếm 74,3% tổng doanh số cho vay, với trên 5.000 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỉ đồng, chiếm 25,7% tổng doanh số cho vay, với trên 1.460 lượt khách hàng vay vốn.
Giải ngân cho vay với khách hàng DN chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay, khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm hơn 17%.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chương trình tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ cho vay lĩnh vực lâm, thuỷ sản được coi là cú hích cho ngành lâm thuỷ sản, đã gỡ nút thắt tài chính cho các DN.
Dự báo nửa cuối năm nay, triển vọng thị trường xuất khẩu thuỷ sản sẽ sáng sủa hơn. Do vậy, ông Nam cho rằng các chương trình hạ lãi suất và gói tín dụng dành cho lĩnh vực lâm, thuỷ sản được tăng quy mô lên 30.000 tỉ đồng là cần thiết và kịp thời, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ DN và bà con nông ngư dân quay vòng vốn đầu tư sẵn sàng cho sản xuất khởi sắc trở lại.
Vẫn còn những rào cản
Tuy nhiên, các DN lâm thuỷ sản cũng cho biết vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận gói vay này. Đáng chú ý, có những phòng giao dịch ngân hàng, khi DN đến vay vốn thì nhân viên không biết đến gói 15.000 tỉ đồng!
Qua khảo sát sơ bộ của VASEP, các DN thủy sản, các cơ sở nuôi, bảo quản…. mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp - phù hợp (cả USD và VND), cũng như được tiếp cận nhiều hơn vào chương trình gói tín dụng ý nghĩa này.
Đồng thời, các ngân hàng xem xét thêm việc “đơn giản và linh hoạt hơn” về các yêu cầu thủ tục, hồ sơ và điều kiện để các DN có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn. “Trong đó, tỉ lệ tín dụng cho DN xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% trong gói 15.000 tỉ đồng vừa qua”, VASEP kiến nghị.
Với DN gỗ, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, cho hay ngành gỗ có đặc thù hàng hóa có thể tồn kho lâu hơn so với các ngành như thủy sản hoặc mặt hàng nông nghiệp là hàng tươi sống…
Trước đây, các khoản vay đối với DN xuất khẩu là 3 - 5 tháng phải đảo vay một lần. Thế nhưng, tồn kho hiện nay không chỉ 3 tháng mà có thể lên tới 6 tháng, rất nhiều DN gỗ tồn kho trong thời gian dài đang gặp áp lực rất lớn về đảm bảo thời gian đảo các khoản vay này.
“DN đề xuất tăng thời hạn tín dụng cho các khoản vay tăng lên 6 hoặc 9 tháng”, ông Kiên nói.
Đồng thời, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ mong muốn ngân hàng có cơ chế xét duyệt các khoản vay linh hoạt như đối với DN vừa và nhỏ là chính sách tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, hoặc cho vay từ khoản phải thu trên đơn hàng. Đồng thời, xem xét tăng tỉ lệ thế chấp của DN.
Ở góc độ của ngân hàng, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết, việc triển khai cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Agribank đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn.
Điển hình là tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng. Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền.
Bên cạnh đó là khó khăn trong kiểm soát hồ sơ giải ngân vốn vay. Bởi, phong tục tập quán địa phương, việc mua sản phẩm của người dân không có hóa đơn, chứng từ và phần lớn sử dụng thanh toán tiền mặt.
Trước những kiến nghị của DN và ý kiến của các ngân hàng, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng các ngân hàng phải có thông báo cụ thể, hướng dẫn các điều kiện cho vay đối với gói này.
“Các ngân hàng tăng thêm hạn mức cho vay đối với DN. Về tài sản thế chấp, ngân hàng phải xác định được dòng tiền của DN, vay để làm gì, bao giờ thu hồi vốn, bao giờ trả nợ vốn vay...”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc NHNN, trên tinh thần tạo điều kiện cho DN nhưng DN cũng phải chia sẻ với ngân hàng trước những nỗi lo về khả năng mất vốn,... để giải quyết câu chuyện về tài sản thế chấp.
Đối với đề xuất liên quan đến kéo dài thời hạn cho vay của DN, câu chuyện này thuộc thẩm quyền của ngân hàng thương mại, xác định dòng tiền, tài sản của DN để quyết định cho vay trên tinh thần thấu hiểu, hỗ trợ DN. Ngược lại, các DN cũng phải cố gắng cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính.
Huyền Anh