Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 23/10 đạt 11,5%, cao nhất kể từ năm 2018 cho tới nay, tương đương mức tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Còn 2,5% hạn mức tín dụng
Mặc dù vậy, nhu cầu tín dụng tăng cao sau đại dịch trong khi các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bị tắc nghẽn nghiêm trọng dẫn đến tình trạng "khát vốn".
Thực tế, từ giữa tháng 9, NHNN đã thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại, thậm chí đầu tháng 10 vừa qua, NHNN cũng đã thực hiện nới room tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại đã tham gia cơ cấu tại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN.
Tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 23/10 đạt 11,5%, cao nhất kể từ năm 2018 cho tới nay, tương đương mức tăng 16,5% so với cùng kỳ. |
Diễn biến này đã phần nào giúp cho tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10/2022, thêm hơn 1,5 điểm phần trăm (so với mức tăng 0,6 điểm phần trăm từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8).
Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Khi các ngân hàng “cạn” room tín dụng và e ngại rủi ro nợ xấu khiến việc lựa chọn doanh nghiệp có dự án tốt để mở rộng tín dụng càng trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, từ 1/10/2022 là mốc thời gian các ngân hàng thương mại phải tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình. Ngoài quy định về tỷ lệ, các ngân hàng đều phải hướng tới việc đảm bảo các yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, trong khi nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm của doanh nghiệp và người dân đang tăng rất cao. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng thừa nhận không thể đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn làm ăn của doanh nghiệp.
Theo báo cáo từ CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, sẽ vẫn còn khoảng 2,5% hạn mức tín dụng được cấp cho các ngân hàng thương mại trong 2 tháng còn lại của năm 2022.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của BVSC đánh giá, NHNN khó nới thêm hạn mức tín dụng lên trên 14% trong năm nay, đặc biệt khi rủi ro lạm phát đã lớn hơn nhiều, chỉ số CPI trong tháng 10 đã ghi nhận ở mức 4,3%.
Đồng tình, ông Lực cho rằng, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào lạm phát, nợ xấu…
Bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn, phức tạp khi kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường; các nước vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao. Ngân hàng trung ương các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động lạm phát và cũng phải tăng lãi suất rất mạnh, kéo theo tỷ giá biến động mạnh.
Do đó, dễ hiểu NHNN phải thận trọng, điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối, là nhiệm vụ quan trọng.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, còn nguồn vốn trung - dài hạn sẽ do thị trường vốn đảm nhiệm.
Tín dụng và tài khoá phải song hành
Theo ông Lực, để tháo gỡ tình trạng thanh khoản nền kinh tế căng thẳng có hai kênh từ ngân hàng và chính sách tài khóa. Về phía các ngân hàng thương mại, các ngân hàng nên thiết kế các sản phẩm đặc thù đối với doanh nghiệp, xây dựng phương thức thẩm định phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp các dịch vụ như tư vấn, đào tạo, thông tin hỗ trợ cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi cả hai phía cùng chủ động về thông tin, kết nối, sẽ dễ dàng gặp gỡ và tiếp cận nhau hơn.
Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng: “Bên cạnh sự chia sẻ của các ngân hàng, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tài khóa. Giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế... vẫn còn triển khai khá chậm”.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách Nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân quỹ Nhà nước (là các khoản ngân sách Nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…) hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.
"Cung về vốn bị đọng tại ngân sách Nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Để bù khoảng trống hụt vốn cho nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn đang "tắc", đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
"Nếu thực hiện như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh", ông Ngân nhận định.
Huyền Anh