Tính đến hết tháng 2/2020, tăng trưởng tín dụng của VPBank đạt khoảng 4,8% |
Công ty chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo cập nhật tác động của dịch Covid-19 đối với ngành ngân hàng, trong đó đưa ra đánh giá một số ngân hàng như VPBank, HDBank và TPBank vẫn giữ mức tăng trưởng tín dụng cao.
Kết quả kinh doanh tích cực
Tính đến hết tháng 2/2020, tăng trưởng tín dụng của VPBank đạt khoảng 4,8%, HDBank là 5%. Trong khi đó, tính đến hết tháng 3/2020, tăng trưởng tín dụng của TPBank là 9%.
Mới đây, Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh đã có thông điệp gửi tới các quỹ, nhà đầu tư, cổ đông và đối tác về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng như những hành động ứng phó, cập nhật cơ bản tình hình hoạt động của ngân hàng.
Cập nhật cơ bản tình hình kinh doanh, Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19 nhưng VPBank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2020 về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất”.
Đưa ra kịch bản lạc quan cuối quý II/2020 dịch bệnh được đẩy lùi, lãnh đạo VPBank tin tưởng sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Trong tình huống dịch bệnh kéo dài sang quý III hoặc muộn hơn, VPBank cũng khẳng định có đủ thanh khoản và sẵn sàng ứng phó với các rủi ro phát sinh.
Trong khi đó, HDBank đưa ra kế hoạch trong năm 2020 sẽ tiếp tục đón đầu xu hướng công nghệ, chuyển đổi công nghệ số, phát triển Fintech, ngân hàng số (Digital Bank) trên nền tảng an toàn, bảo mật tiêu chuẩn quốc tế, để mang đến những trải nghiệm hài lòng, tin cậy cho khách hàng.
Một số ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tốt trong năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trong đó, MSB vừa công bố báo cáo thường niên 2019, đặt mục tiêu trong năm 2020, tổng tài sản đạt khoảng 170 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với năm 2019; tổng dư nợ tín dụng dự kiến ở mức 81,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20%; tăng trưởng huy động dự kiến ở mức 10%, đạt 99 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2020 của MSB dự kiến đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Theo đó, tổng thu thuần năm 2020 của mảng Ngân hàng bán lẻ (RB), Ngân hàng Doanh nghiệp (EB) và Ngân hàng Định chế tài chính (FI) tăng trưởng lần lượt gần 40%, 44% và 34%, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2019-2023 đạt trên 30%.
Phát huy tốt gói tín dụng ưu đãi
Vậy, đâu là lý do để các ngân hàng đạt được tăng trưởng tín dụng tốt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của toàn ngành sụt giảm?
Theo đánh giá của Chứng khoán SSI: “Chúng tôi nhận thấy rằng VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp đã được ký trước đó vào cuối năm 2019”.
Ngoài ra, với VPBank, trong bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo nhà băng này cho hay, VPBank đã đẩy mạnh khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt với nhiều ưu đãi khi giao dịch như miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả giao dịch, tặng lãi suất từ 0,2%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến ở hầu hết các kỳ hạn và giảm 10 - 25% giá trị mua sắm trên nhiều trang thương mại điện tử. Kết thúc quý I/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ.
Công ty con FE Credit của VPBank cũng chuyển dịch mạnh sang kênh số hóa. Với ứng dụng $NAP cùng nền tảng công nghệ tiên tiến, FE Credit đã hỗ trợ khách hàng vay tiền trực tuyến, không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ ngân hàng và giúp khách hàng chi tiêu không dùng tiền mặt một cách thuận lợi trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, sự tăng trưởng tích cực ở một số ngân hàng còn cho thấy các chính sách của Ngân hàng Nhà nước và các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả đối với các doanh nghiệp.
"Khi bơm ra thị trường các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhiều đối tượng doanh nghiệp được tiếp cận", ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá và khẳng định thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, giúp các ngân hàng thương mại đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp, nền kinh tế và các chương trình cho vay vẫn kéo dài khi hết dịch Covid-19.
Các chuyên gia cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng, ngoài các gói hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng cũng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Huyền Anh