Quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một trong những công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải gửi và duy trì một lượng tiền theo một tỷ lệ nhất định trên số dư tiền gửi bình quân tại NHNN nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động cũng như thanh khoản.
Điều chỉnh lại đối tượng
Theo quy định hiện nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần lượt cho không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 3% và 1% đối với tiền đồng; 8% và 6% đối với ngoại tệ.
Tuy nhiên, NHNN mới đây đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có điều chỉnh lại đối tượng áp dụng gồm: TCTD được kiểm soát đặc biệt; TCTD chưa khai trương hoạt động; TCTD có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động, hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền sẽ không phải thực hiện dự trữ bắt buộc.
Hiện nay, nhóm TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank – sau khi bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và tiến hành tái cơ cấu), ba ngân hàng thương mại mà NHNN mua lại giá 0 đồng là: Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank).
Dự thảo bổ sung thêm quy định: những TCTD nào hỗ trợ phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ được giảm dự trữ bắt buộc nhằm tránh việc chịu ảnh hưởng đến tình hình tài chính từ TCTD buộc phải phục hồi.
Hiện tại, các TCTD hỗ trợ gồm có BIDV (hỗ trợ Dong A Bank), Vietcombank (hỗ trợ CB Bank) và VietinBank (hỗ trợ Oceanbank, GP Bank) là ba ngân hàng có tổng số dư tiền gửi khách hàng chiếm trên 40% tiền gửi toàn hệ thống.
Trước quy định trong dự thảo mới này, một số ý kiến cho rằng việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nếu không thận trọng sẽ giống như "con dao hai lưỡi". Nguyên nhân là bởi điều này sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng, theo đó hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà băng cung tiền ra lưu thông tăng có thể khiến nợ xấu tăng.
Một tác động nữa là dù hiện nay có ba ngân hàng hỗ trợ các TCTD tái cơ cấu nhưng vốn chiếm đến non nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống, nên việc giảm 50% tỷ lệ dự trữ hiện nay sẽ làm NHNN mất đi một khoản tiền gửi lớn mà có thể đem cho vay lại trong hệ thống. Vì vậy, các ngân hàng trung ương thường rất cẩn trọng khi áp dụng công cụ này.
Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ áp dụng cho một số tổ chức tín dụng đặc biệt |
Không nên đánh đồng
Theo phân tích của các chuyên gia, thực chất đây chỉ quy định phù hợp với khoản 7 điều 148đ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD Việt Nam: "TCTD hỗ trợ ngân hàng tái cơ cấu được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt". Do vậy, đây không phải là nội dung mới, mà chỉ đơn thuần là hợp thức hóa quy định các đối tượng được phép miễn dự trữ bắt buộc hoặc được phép áp dụng tỷ lệ thấp hơn nếu thỏa mãn điều kiện theo Luật đã ban hành hồi năm 2017.
Thông thường, việc tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm cung tiền và ngược lại. Vì thế, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay đổi, các ngân hàng sẽ phải cân đo đong đếm lại các tỷ lệ thanh khoản, cho vay, huy động để đáp ứng, từ đó cũng ảnh hưởng lớn đến các hệ số sinh lời của ngân hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định là mức tối thiểu, các TCTD có thể gửi cao hơn. Hiện, một số ngân hàng đã gửi vượt con số này và được hưởng lãi trên phần vượt như Agribank luôn giữ tỷ lệ trên ở mức 3 - 5% (thay vì 3% theo quy định) vì đã thừa thanh khoản. Nhờ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, một phần số tiền gửi vượt của Agribank đang được hưởng lãi suất theo quy định là 1,2%/năm.
Các chuyên gia nghiên cứu tại SSI Research cũng nhận định, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu không đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền tương ứng được bơm ra thị trường.
Cũng theo một số chuyên gia, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay khá thấp, trong khi đó, từ dự thảo đến thực tế có độ trễ thời gian khá lớn. Ngoài ra, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm của từng ngân hàng sẽ còn phụ thuộc vào khoản hỗ trợ thực tế. Khoản hỗ trợ thực tế sẽ được xem xét và chấp thuận rất chặt chẽ và có thể thấp hơn nhiều con số 50%.
Tuy nhiên, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc miễn giảm nộp dự trữ bắt buộc, Ts. Phan Minh Ngọc, chuyên gia tài chính, cho rằng nên hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều công cụ mang tính ưu đãi cho các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém.
Chẳng hạn, đối với các TCTD đã được miễn nộp dự trữ bắt buộc thì bỏ cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% và áp dụng mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với từng TCTD, chứ không nên đánh đồng.
Hoàng Hà