Chiều ngày 15/9, tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng đánh giá, thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Nhưng hiện nay số lượng thẻ tín dụng nội địa mới chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành. Quy mô vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thẻ tín dụng quốc tế.
Người dùng đang phải "gánh" lãi suất thẻ tín dụng cao
Đến hết tháng 7/2023, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022). Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao những năm gần đây, quy mô thẻ tín dụng nội địa vẫn còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế. Hiện nay số lượng thẻ tín dụng nội địa mới chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành.
Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022. |
Dẫn số liệu từ FiinGroup, ông Lê Phương Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho biết: tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây, tuy nhiên đều không vượt quá 10%. Đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm vỏn vẹn tỷ trọng 5,5% dư nợ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ: Chúng ta mới có chỉ 1 triệu thẻ, so với dân số 100 triệu dân, đây là tiềm năng rất lớn, chúng ta còn rất nhiều không gian để khai thác.
Trên thực tế, thẻ tín dụng chủ yếu đang phát triển tốt ở thành thị, còn thị trường nông thôn vẫn rất ít. “Rõ ràng, chúng ta cần hướng đến việc phổ cập kiến thức tài chính, cơ chế cho sâu rộng đến người dân”, ông Tuấn Anh phát biểu.
Việc phát hành thẻ tín dụng nội địa có chi phí rất cao, cho nên người sử dụng thẻ tín dụng nội địa thông thường đang phải chịu mức lãi suất rất cao. Chúng ta cũng mạnh dạn nghĩ đến một hướng mới để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa trong nước. Chúng ta có nên chấp nhận ưu đãi cho người sử dụng thẻ nếu như khách hàng sẵn sàng mở thẻ, khi đó cơ chế ưu đãi về lãi suất tín dụng thấp hơn so với mức lãi suất cho các khoản tiếp cận tín dụng và cho các khoản cho vay tín dụng thông thường.
"Thực tế, nếu chúng ta giải quyết bộ hồ sơ cho vay cá nhân để tiêu dùng thì cũng tốn chi phí để tiếp cận, giải quyết thẩm định hồ sơ. Hiện nay với việc phát hành thẻ tín dụng nội địa và ứng dụng mới như hiện này thì hoàn toàn có thể tận dụng để giảm thiểu chi phí. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta không cố gắng khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa bằng cách sử dụng công cụ lãi suất, trong đó có công cụ lãi suất cho vay ưu đãi”, ông Tuấn Anh lý giải.
Ngân hàng gặp khó khi phát triển thẻ tín dụng
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, dù có nhiều tiềm năng nhưng các ngân hàng cũng gặp khá nhiều khó khăn khi phát triển thẻ tín dụng.
Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển (BIDV) cho biết, BIDV là 1 trong 4 ngân hàng có mạng lưới chấp nhận thanh toán lớn nhất thị trường. Từ quá trình triển khai, đại diện BIDV cho rằng, nếu không mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán sẽ không có “đất” để quẹt thẻ. Nhưng chi phí để đầu tư máy POS rất cao, trung bình lên đến 7 – 8 triệu đồng. Không phải ngân hàng nào cũng đủ chi phí để đầu tư miễn phí cho toàn bộ khách hàng. Ngoài ra, không phải đơn vị thanh toán nào cũng chấp nhận trả phí. Đồng thời, sự cạnh tranh của các ngân hàng ở các trung tâm thương mại rất cao.
Đồng tình, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết điểm chấp nhận thanh toán là điểm cuối cùng kết nối phương tiện thanh toán và nhu cầu tiêu dùng. Sacombank rất quan tâm đến chấp nhận thanh toán qua POS. Mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán cần có chiến lược lâu dài vì đầu tư chi phí, con người, hệ thống rất lớn. Gần như các ngân hàng hoạt động không hiệu quả ở mảng này trong thời gian dài cho thị trường thanh toán thẻ ở Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc Sacombank cho hay: Hiện nay có sự bất đối xứng khi số lượng máy POS phục vụ có tỉ lệ thấp so với người dân. Thị trường Việt Nam nhận được sự quan tâm của các công ty quốc tế. Chính vì vậy, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần phát triển thanh toán thông qua các điểm tiếp nhận.
Phó Tổng giám đốc VietCredit cũng nhìn nhận: Đối với khối ngân hàng, khó khăn chủ yếu trong chính sách tín dụng, vốn được xây dựng cho nhóm khách hàng truyền thống, có thu nhập trung bình và cao. Xây dựng một chính sách tín dụng và phương thức tiếp cận khách hàng dành riêng cho thẻ tín dụng nội địa không phải không khả thi, nhưng sẽ rất tốn chi phí so với doanh thu mà danh mục thẻ tín dụng nội địa mang lại. “Chúng tôi có thể phát hành được 500 nghìn thẻ tín dụng nội địa trong vòng 6 tháng nếu có được sự hợp tác với các ngân hàng”, ông Hải nói.
Đồng thời, ông cho rằng, dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa thông qua việc hợp tác với các sàn TMĐT là rất lớn. Ông phân tích, dù TMĐT phát triển mạnh trong những năm gần đây, đột phá trong và sau COVID-19, nhưng thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng vẫn chiếm tới trên 80%.
Khi giao hàng, người mua có thể chuyển khoản cho người giao hàng thay vì đưa tiền mặt nhưng ở phương thức thanh toán này, tỷ lệ bỏ đơn hàng cũng rất cao làm gia tăng chi phí cho các bên cung ứng. Các lãnh đạo sàn thương mại điện tử cho biết, người tiêu dùng ngại thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế vốn có hạn mức cao do lo ngại về an toàn, bảo mật.
Bên cạnh đó, về những lo ngại rủi ro bảo mật, ông Hải cho rằng khi phát hành thẻ tín dụng nội địa trực tuyến thì nguy cơ lớn nhất đối với tổ chức phát hành là gian lận định danh. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cùng với việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu căn cước công dân đã và đang góp phần đẩy lùi rủi ro này.
Theo ông, phát triển thẻ tín dụng nội địa chỉ thành công khi khả năng quản lý và thu hồi nợ xấu của các tổ chức phát hành có sự phát triển đột phá. Các tổ chức phát hành có rất nhiều giải pháp cho nhóm khách hàng hợp tác khi họ gặp khó khăn trong thanh toán thẻ tín dụng, nhưng chưa có phương án tối ưu đối với khách hàng không hợp tác ngoài thực hiện tiến trình khởi kiện.
Huyền Anh