Kể từ đầu tháng 5 đến nay, hàng loạt ngân hàng tư nhân thông báo giảm lãi suất với các khoản huy động tiền gửi từ người dân ở nhiều kỳ hạn, trong đó giảm mạnh nhất ở kỳ hạn dài trên 1 năm. Ngay sau đó, đến lượt các ngân hàng quốc doanh điều chỉnh lãi suất huy động.
Lãi suất huy động sẽ giảm về mức nào?
Nhóm "Big 4" là những nhà băng mới nhất gia nhập làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm từ đầu tháng 5 đến nay. Trước đó, các ngân hàng tư nhân đã đồng loạt giảm các mốc lãi suất tiền gửi này, áp dụng với cả kênh quầy và kênh online. Theo đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng hiện đã về vùng 4,3-5,5%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng giảm về vùng 6,6-8,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,9-8,5%/năm.
Các chuyên gia kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm về mức 7%, theo đó lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. |
Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm trên 9%/năm trong hệ thống ngân hàng hiện đã biến mất. Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái (có thời điểm ghi nhận lãi suất lên tới 12%/năm), mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm xấp xỉ 3-4%/năm.
Các chuyên gia phân tích kỳ vọng xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do bốn yếu tố. Yếu tố thứ nhất, một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng. Điển hình, tại Vietcombank, tổng số dư tiền gửi khách hàng trong quý I đã tăng 3,1%, đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng. Tương tự, VietinBank cũng ghi nhận tiền gửi của khách hàng tăng 1,9%, lên 1,27 triệu tỷ đồng...
Yếu tố thứ 2 giúp các ngân hàng còn dư địa giảm lãi suất, đó là chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay. Yếu tố thứ ba, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Yếu tố thứ tư là thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 314.000 tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương. Đến cuối tháng 2, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này tại các tổ chức tín dụng đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng.
Đến ngày 27/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.
Trong làn sóng giảm lãi suất huy động, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7% vào cuối năm 2023.
Doanh nghiệp vẫn “ngóng” giảm lãi vay
Nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều đang ngóng giảm thêm lãi suất cho vay bởi lẽ, mức giảm lãi suất vay thời gian qua chưa tương xứng với đà giảm của huy động.
Tại Toạ đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển", được tổ chức ngày 16/5, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lãi suất giảm thêm.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) khẳng định: nhu cầu vốn đối với toàn ngành du lịch luôn quan trọng và hết sức cần thiết.
Ông cho biết, ngay khi Chính phủ quyết định mở cửa toàn bộ ngành du lịch từ 15/3/2022, các doanh nghiệp, trong đó có Saigontourist Group đã trở lại ngay lập tức, kéo theo các chi phí hoạt động, nhân công, nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh kết nối thị trường truyền thống và thị trường mới…
Đồng thời, như một số doanh nghiệp BĐS, Saigontourist Group cũng có các dự án đầu tư ở các tỉnh thành và trước dịch cũng có vốn vay ngân hàng nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên doanh thu, lợi nhuận còn khó khăn. Hiện tại, doanh thu đã tăng trở lại, song thực tế khách hàng chi tiêu ít hơn nên tổng doanh thu của doanh nghiệp và của ngành lại giảm, trong khi đó chi phí đầu vào như lãi suất vay lại tăng cao.
Do đó, Saigontourist Group đề nghị NHNN và các ngân hàng thương mại kéo lãi suất dài hạn xuống. Đồng thời, mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ, rồi giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), dự báo điểm rơi của lãi suất sẽ là quý II này, khi mà đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang dừng lại.
“Khả năng trong quý II này chính sách tiền tệ sẽ dần nới hơn, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ thấp hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính và giảm áp lực trả nợ ngân hàng", ông Tùng nhận định
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%.
Theo Phó Thống đốc NHNN, 4 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay. Sắp tới trên tinh thần chỉ đảo cũng như định hướng, vận động các ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Huyền Anh