Theo các chuyên gia, sự thay đổi nhân sự cao cấp trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ để phát triển, những áp lực về giải quyết nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm đã khiến không ít cán bộ phải "ngậm ngùi" chia tay ngân hàng
Cuối năm cũng thay đổi
Thông thường, việc thay đổi nhân sự cao cấp ngành ngân hàng thường diễn ra trong khoảng thời gian đầu năm, mùa Đại hội cổ đông thường niên.
Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp có thể thay đổi bất cứ lúc nào để đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngân hàng.
Mới đây nhất, "ghế nóng" của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) lại tiếp tục có sự thay đổi khi bà Dương Thị Mai Hoa bất ngờ từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc chỉ sau 3 tháng điều hành.
Từ ngày 18/10, "người cũ" là ông Phạm Duy Hiếu - Phó Tổng Giám đốc - sẽ đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc, chính thức trở thành Tổng Giám đốc ABBank khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn.
Được biết, ông Hiếu cũng từng là Tổng Giám đốc ABBank trong giai đoạn từ 2012 – 2015, nhưng từ tháng 5/2015 đã từ chức và trở thành Tổng Giám đốc Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) – Quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, đầu năm 2018, ABBank cũng đã chấp nhận đơn từ nhiệm của Tổng Giám đốc Cù Anh Tuấn vì lý do cá nhân. Sau đó, ông Nguyễn Mạnh Quân là Phó Tổng Giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, ông Quân tại vị trên chiếc "ghế nóng" này được chưa đầy 4 tháng, từ ngày 12/1 – 3/5 cũng xin từ nhiệm.
Thực tế, các ngân hàng thường tránh việc đổi "đầu tàu" vào thời điểm cuối năm bởi ít nhiều cũng sẽ có tác động tới tâm lý khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên ngân hàng, kết quả kinh doanh. Vì vậy, đã có nhiều trường hợp ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao trong âm thầm.
Mỗi một vị trí lãnh đạo cấp cao ở ngân hàng chỉ có một chức danh, khi thiếu thì mới phải tuyển, nhưng không phải HĐQT ngân hàng muốn đặt ai vào vị trí đang khuyết cũng được.
Điều kiện tìm kiếm và lựa chọn ứng viên đảm nhận vị trí "đầu tàu" không còn dễ dàng như trước đây, hiện các tiêu chí để được làm lãnh đạo cao cấp của ngân hàng thương mại đã được NHNN quy định chặt chẽ hơn, đi cùng với các chế tài xử phạt mạnh hơn đối với những vi phạm và cá nhân liên quan.
Sau khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn, ứng viên đó phải có sự phê duyệt của NHNN. Do đó, việc tìm ngay được người đủ tiêu chuẩn "lấp vào chỗ trống" không phải dễ dàng, nên một số ngân hàng thường có những thay đổi vào năm tài chính mới.
Việc biến động nhân sự cao cấp ở các nhà băng là tất yếu |
Nhân sự mới phải chất lượng
Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018, nhân sự mới còn phải đáp ứng được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho nhà băng. Một lãnh đạo của ngân hàng thương mại chia sẻ điểm quan trọng phải nhắc tới đó là thời gian qua, quá trình tái cơ cấu được NHNN chỉ đạo thực sự quyết liệt.
Chính điều này khiến nhân sự tại các ngân hàng phải thay đổi rất nhiều. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng thương mại cũng đòi hỏi sự cải tiến, đổi mới hoạt động ngay từ bên trong nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các mảng kinh doanh mới… nên yêu cầu nhân sự cao cấp thật sự "chất lượng".
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc lần thứ hai rất mạnh, việc biến động nhân sự cao cấp là tất yếu. Tuy nhiên, trong các vị trí chủ chốt ở HĐQT, vị trí tổng giám đốc không thể thiếu dù một ngày, bởi đây là người trực tiếp điều hành hoạt động của ngân hàng.
"Nếu chưa có tổng giám đốc, ngân hàng cũng phải có ngay quyền tổng giám đốc và thường các ngân hàng đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho vị trí này chứ không bao giờ bị khuyết. Người nắm quyền tổng giám đốc cũng chỉ là trên danh nghĩa để chờ NHNN phê chuẩn chính thức", một chuyên gia nói.
Ngoài ra, tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cho biết hầu hết các ngân hàng đều có chiến lược kinh doanh được định hướng và thông qua HĐQT từ đầu năm. Do đó, không thể vì một vị tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc mà thay đổi chiến lược đó.
Ví dụ, năm nay có ngân hàng muốn phát triển mạnh digital banking (ngân hàng số) thì phải tìm người giỏi digital banking cả trong và ngoài nước. Hoặc một ngân hàng khác có chiến lược đẩy mạnh mảng bán lẻ thì phải tìm người thật giỏi trong lĩnh vực này.
"Vì vậy, tổng giám đốc chỉ là người đi làm thuê, nên nay đổi mai thay không có gì lạ. Việc thay đổi lãnh đạo cao cấp ở các ngân hàng cũng là tìm ra những người đứng đầu đủ năng lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngân hàng đó", vị lãnh đạo này chia sẻ.
Thanh Hoa