Năm 2018 được đánh giá một năm thành công của hệ thống ngân hàng khi hầu hết các nhà băng đều có kết quả kinh doanh khả quan và cũng là top 5 ngành có tăng trưởng lợi nhuận tốt trong nền kinh tế... Điều này đã giúp cho cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chính thức cũng tăng trưởng tương đối tốt trong cả năm 2018.
Trong số hơn 9.117 tỷ đồng lãi phải thu của SHB có bao nhiêu % lãi phải thoái và khả năng thu hồi của ngân hàng vẫn là ẩn số |
Năm 2019 được dự báo xu hướng này tiếp diễn và các cổ phiếu ngân hàng được nhận định tiếp tục là nhóm có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán.
Một chuyên gia chứng khoán đánh giá: “Nhóm ngành ngân hàng có triển vọng tích cực trong cả năm 2019. Giai đoạn 2019 là giai đoạn hồi phục và tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng”.
Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng này, cổ phiếu SHB của SHB vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá.
Chạm đáy năm 2012 khi ngân hàng sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank, giá cổ phiếu SHB khi ấy chỉ còn 4.540 đồng. Từ đó đến nay, đường về mệnh giá của cổ phiếu SHB chưa bao giờ bằng phẳng, kể cả vài năm gần đây hoạt động kinh doanh của SHB đã khởi sắc hơn.
Đỉnh điểm ngày 17/4/2018, cổ phiếu SHB tăng 0,8% lên 13.300 đồng, khớp lệnh hơn 12 triệu đơn vị. Tưởng chừng từ đây giá cổ phiếu SHB sẽ không còn phải gắn mác “cổ phiếu trà đá” nhưng không lâu sau, nhà đầu tư phải ngậm ngùi chứng kiến cổ phiếu SHB lao dốc xuống dưới mệnh giá.
Thậm chí, thời điểm đầu năm 2019 khi giá cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng tăng mạnh thì giá cổ phiếu của SHB lại giảm xuống còn 7.000 đồng/cổ phiếu (ngày 3/1/2019).
Đáng chú ý trong một tháng qua, biến động giá giao dịch của cổ phiếu SHB giảm 7,41%. Cụ thể, thời điểm cổ phiếu SHB cao nhất là 8.000 đồng/cổ phiếu (15/3/2019) và thấp nhất là 7.400 đồng/cổ phiếu (25/3/2019).
Trong vòng một tuần trở lại đây, tính đến ngày 13/4, cổ phiếu SHB giao dịch ở mức giá 7.500 đồng/cổ phiếu.
Theo các chuyên gia, giao dịch cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài kết quả kinh doanh, kỳ vọng về tương lai khi cơ chế xử lý nợ xấu đi vào thực tiễn thì thực trạng của doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng xem xét để đầu tư.
Tại đại hội cổ đông năm ngoái, một cổ đông của SHB đã chất vấn HĐQT về nợ xấu nợ dưới chuẩn của ngân hàng tăng mạnh trong năm qua, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê giải thích nợ dưới chuẩn tăng là do khoản nợ trung và dài hạn trước kia của Habubank đến bây giờ trở thành nợ xấu.
Chia sẻ thêm, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB, cho rằng nợ xấu tăng một phần nguyên nhân nữa là theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, những doanh nghiệp có nợ xấu ở các ngân hàng khác thì ngân hàng cũng phải đưa nợ của khách hàng đó vào nợ quá hạn tại ngân hàng mình.
Do đó, SHB cũng có những khách hàng ở SHB thì ở nhóm 1 nhưng ở ngân hàng khác lại là nợ xấu, nên SHB phải đưa khách hàng đó thành nhóm nợ xấu.
Bảng tóm tắt nợ xấu và lãi phí phải thu của SHB trong năm 2018. Đơn vị tính: triệu đồng (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2018 của SHB) |
Theo BCTC hợp nhất năm 2018 của SHB, tổng nợ xấu của Ngân hàng trong năm 2018 tăng 12,44% so với cuối năm 2017, ở mức 5.198.881 triệu đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) là 339.729 triệu đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) là 920.954 triệu đồng. Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 3.938.122 triệu đồng tăng hơn 37,44% so với thời điểm cuối năm 2017 là 2.865.240 triệu đồng.
Ngoài ra, phần lãi, phí phải thu của SHB ở mức 9.117.746 triệu đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2017 (năm 2017 là 7.955.903 triệu đồng) là tỷ lệ rất cao, và chiếm hơn 2,82% tổng tài sản (tổng tài sản 2018 là 323.276.008 triệu đồng) và tăng 1,39% so với năm 2017.
Các khoản lãi và phí phải thu trên thực tế là lãi dự thu (dự kiến thu được trong tương lai). Theo quy định của Bộ Tài chính, sau 6 tháng lãi dự thu sẽ phải thoái ra. Tuy nhiên, SHB vẫn để lãi dự thu từ năm này qua năm khác.
Trong số 9.117.746 triệu đồng lãi phải thu của SHB có bao nhiêu % lãi phải thoái và khả năng thu hồi của ngân hàng vẫn là ẩn số.
Thực tế, nếu số lãi dự thu phải thoái càng lớn, lợi nhuận ngân hàng sẽ càng teo tóp, khó bật lên. Quy mô lãi "ảo" càng tăng sẽ gây nhiều rủi ro về nợ xấu và đe dọa lợi nhuận cho ngân hàng, dòng tiền mắc kẹt trong lãi dự thu sẽ rất vất vả để thu hồi.
Huyền Anh