Thực tế này trái ngược với suy đoán của nhiều người khi cho rằng tiền gửi tiết kiệm gửi tại ngân hàng sẽ được rút ra để "chảy" sang các kênh đầu tư khác như vàng liên tiếp đạt mức giá đỉnh lịch sử hay đầu tư chứng khoán khi thị trường chứng khoán khá sôi động, hoặc bất động sản đang có những diễn biến tích cực.
Cụ thể, tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư đều tăng trưởng dương trong tháng 4. Theo đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi dân cư đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng và hiện đạt mức kỷ lục.
Tiền gửi của cư dân đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới. |
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng trong tháng 4, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, do sụt giảm khá mạnh trong tháng 1 và tháng 2 nên tính chung trong 4 tháng, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn ghi nhận sụt giảm hơn 133.600 tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).
Tính chung, hết tháng 4, tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước - tương đương tăng khoảng 140.000 tỷ đồng, tăng 0,4% - tương đương tăng khoảng 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
NHNN cho biết, tổng phương tiện thanh toán gồm lượng tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng; trong đó bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm…tính đến cuối tháng 4 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm.
Xu hướng người dân gửi thêm tiền vào ngân hàng được duy trì suốt từ tháng 9/2022 đến nay bất chấp lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã chạm đáy trong tháng 3 và tăng nhẹ trong tháng 4/2024. Duy nhất có tháng 1/2024, lượng tiền gửi có giảm nhẹ.
Theo các chuyên gia, tín dụng đang dần cải thiện và tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế tăng 6% so với đầu năm 2024. Vì thế, các ngân hàng liên tục duy trì xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm để huy động vốn, chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng tăng dần trong mùa cao điểm cuối năm.
Dự báo của giới phân tích, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng từ 0,5 - 1 điểm % trước áp lực từ lãi suất thị trường liên ngân hàng, việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi.
Trong khi đó, lãi suất cho vay được dự báo sẽ đi ngang hoặc chỉ nhích nhẹ trong bối cảnh các ngân hàng, đặc biệt nhóm quốc doanh, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế. Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng với mức trung bình 0,5%, các chuyên gia cho rằng dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều, có thể đi ngang trước khi bước vào chu kỳ tăng từ đầu năm 2025.
Thanh Hoa